Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến sau lũ
30/11/2020 | 10:22 AM
|
Sau bão lũ, bệnh viện ở Quảng Ngãi rơi vào tình trạng quá tải do số người mắc sốt xuất huyết tăng đột biến.
Liên tục nhiều ngày qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Khoa Bệnh Nhiệt đới của đơn vị này đang rơi vào tình trạng quá tải. Các bác sĩ phải ghép mỗi giường 2-3 bệnh nhân.
Số giường thực kê tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi là 54. Trong khi đó, đơn vị này đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trước tình hình này, nhiều gia đình mua giường xếp mang đến bệnh viện để người thân nằm điều trị.
"Tôi bị sốt hai ngày, đến bệnh viện xét nghiệm máu thì mới biết mình bị sốt xuất huyết. Bệnh nhân đông quá nên đành phải nằm ghép chung giường. Thấy xót, vợ mua giường xếp kê tạm ngoài hành lang để nằm điều trị bệnh cho thoải mái", ông Huỳnh Hồng (ngụ huyện Sơn Tịnh) nói.
Bệnh viện quá tải, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết phải nằm tạm giường xếp
Bác sĩ Lương Văn Tuấn, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho biết sau bão lũ, khoa lúc nào cũng quá tải vì bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết tăng đột biến.
"Chúng tôi huy động tất cả giường xếp về bố trí cho bệnh nhân nằm điều trị và đề xuất lãnh đạo bệnh viện bổ sung nhân lực để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Sốt xuất huyết là bệnh dễ có biến chứng nhanh, nguy hiểm nếu không được theo dõi sát", ông Tuấn cho hay.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay có hơn 1.650 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số lượng này thường tăng đột biến sau bão lũ.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, khí hậu ẩm, mưa lớn kéo dài và người dân chưa chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy đã tạo điều kiện cho muỗi sản sinh nhanh. Đây là nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến.
Còn tại Đà Nẵng, từ đầu tháng 11, mưa lũ kéo dài khiến nhiều xã thuộc huyện Hòa Vang ngập nặng. Hiện tại, nhiều thôn trũng, thấp tại các xã vẫn ngập nước. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để muỗi phát triển, gây bệnh. Tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), nơi ghi nhận nhiều ổ dịch SXH mới trong thời gian vừa qua, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, tổ chức tổng vệ sinh, phát tờ rơi tuyên truyền về bệnh SXH và phun hóa chất khử độc, khử trùng tiêu diệt muỗi. Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Ngô Ngọc Trúc cho biết: Bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, toàn xã ghi nhận hơn 100 ca mắc SXH, chiếm một nửa số ca mắc của toàn huyện Hòa Vang. Do mưa ngập úng nhiều ngày qua, nước mưa không thoát được cho nên thôn Lệ Sơn Nam đang trở thành một trong những "điểm nóng" tại địa phương khi liên tục ghi nhận số ca mắc SXH trong cộng đồng.
Ông Mai Hồng Lạc, Trưởng thôn Lệ Sơn Nam cho biết: Thôn đã trải qua một thời gian dài phong tỏa vì dịch Covid-19 cho nên hiện nay, công tác vệ sinh môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Sau mùa lũ, chúng tôi xuống từng hộ dân để tuyên truyền, khuyến cáo về công tác vệ sinh môi trường, nhất là dịch SXH. Quan trọng nhất vẫn là tìm diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng. Thôn đã dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy để muỗi không phát sinh, nảy nở phun thuốc diệt muỗi tại 85 nhà dân.
Ngoài mưa, lũ thì thời tiết giao mùa cũng đang là yếu tố làm gia tăng mật độ muỗi truyền SXH. Các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà… đang đối diện nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mùa như tay chân miệng, SXH… Để góp phần hạn chế, giảm tỷ lệ mắc SXH, ngành y tế Đà Nẵng đã quyết liệt đào tạo, tập huấn phòng, chống SXH. Hiện các bệnh viện tuyến quận, huyện cũng như các bệnh viện lớn tại Đà Nẵng đã chủ động nhân lực, thuốc để sẵn sàng điều trị nếu dịch SXH bùng phát.
Theo báo cáo của CDC TP Đà Nẵng, từ đầu năm đến cuối tháng 10, toàn thành phố đã có gần 1.600 ca mắc SXH (không có người chết). Tuy số ca mắc giảm so với cùng kỳ 2019 nhưng lại tăng mạnh so với những tháng đầu năm nay, nhất là từ tháng 8, tháng 9 trở lại đây, tập trung nhiều ở các quận: Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà…
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC TP Đà Nẵng cho biết: Thời tiết mưa nhiều như hiện nay là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn (trung gian truyền bệnh) phát triển, CDC đang phối hợp các trung tâm y tế quận, huyện tích cực điều tra, phân tích các khu vực có chỉ số véc-tơ truyền bệnh cao, diễn biến bệnh SXH và ổ dịch nhỏ phức tạp, đề xuất các biện pháp kịp thời. Đề nghị UBND quận, huyện tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản. Thông tin đầy đủ cho người dân về tình hình dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân; giám sát chặt chẽ quá trình diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Tập trung giám sát các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao, tăng cường vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để các bệnh truyền nhiễm lây lan và bùng phát trên địa bàn.
Toàn TP Đà Nẵng cũng đã ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường trong hai ngày thứ bảy, chủ nhật vừa qua, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão số 9 và mưa lũ, đồng thời phòng, chống bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng.
Nguồn: Báo Gia đình và xã hội
Tin liên quan
- Thanh Hóa chủ động phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Hà Nội triển khai các hoạt động tổng vệ sinh môi trường sau bão lũ, ngập lụt
- Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường do mưa bão
- Đảm bảo công tác đảm bảo nước sạch, xử lý vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế ứng phó với bão lũ số 3
- Hướng dẫn xử lý nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường sau bão lũ
- Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ
- Thanh Hóa xử lý môi trường sau mưa lũ