5 giải pháp giúp "xứ Kim Chi" điều chỉnh thành công mất cân bằng giới tính khi sinh và bài học cho Việt Nam

27/11/2020 | 09:44 AM

 | 

TS Tạ Hương lưu ý do tính chất phức tạp và lâu dài của vấn đề nên để giải quyết vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh, Việt Nam cần thực hiện các bước đi thích hợp, không nóng vội.

 

TS Tạ Hương, Phó Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết, trong khoảng 13 quốc gia trên thế giới (chủ yếu khu vực châu Á) gặp phải vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) và mất cân bằng giới tính, mỗi quốc gia đều có những quan điểm và cách thức can thiệp, giải quyết khác nhau.

Tuy nhiên, chỉ có Hàn Quốc là sớm thành công để điều chỉnh được tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên.

PGS.TS Heeran Chun, Đại học Jungwon Hàn Quốc, cho biết những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, khi công nghệ siêu âm, chọc ối phát triển cùng quy mô gia đình ít con, mức sinh thấp khiến mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh của đất nước Đông Á này tăng nhanh. Đỉnh điểm vào đầu năm 1990, tỷ số này đạt tới 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỷ số này lên 140/100.

TS Tạ Hương cho hay Hàn Quốc đã thiết lập lại tỷ số giới khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên là nhờ một số giải pháp.

Thứ nhất, họ thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa trong thập niên 80s-90s làm tăng số lượng phụ nữ tham gia thị trường lao động, giúp loại bỏ các ràng buộc truyền thống đối với phụ nữ, thay đổi cuộc sống tình dục người phụ nữ. Phân công lao động làm giải phóng phụ nữ. Công nghiệp hoá mạnh làm tăng di cư lao động trẻ vào đô thị, góp phần nâng cao vị thế phụ nữ, phá bỏ truyền thống và cấu trúc gia đình gia trưởng. Đô thị hoá cũng giúp người dân không còn bị bao quanh bởi quan hệ thân tộc phụ hệ, làm thay đổi mối quan hệ cha mẹ và con cái, làm giảm sự ưa thích con trai.

Thứ hai, gia tăng giáo dục cho phụ nữ, thực thi Luật bình đẳng giới, trao quyền năng, nâng cao vị thế, tạo nhiều cơ hội cho họ thông qua rất nhiều các chương trình, phong trào phụ nữ. Chính phủ tạo điều kiện huy động lực lượng lao động nữ, mở rộng ngành nghề phụ nữ có thể tham gia. Những người mẹ Hàn Quốc tự hào khi sinh được con gái. Luật sửa đổi để con gái cũng có quyền thừa kế, người phụ nữ được giáo dục ở các bậc học cao và được tạo điều kiện tham gia vào thị trường lao động và cả trong các cơ quan của Chính phủ, trên chính trường.

Thứ ba, nâng cao nhận thức của công chúng bằng triển khai truyền thông mạnh mẽ về giá trị con gái, về bình đẳng giới. Việc tuyên truyền được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội thảo, hội nghị. Giai đoạn 1990-2000, những khẩu hiệu: "Nuôi 1 con gái lớn lên bằng 10 con trai", "Hãy yêu con gái của bạn" được người dân Hàn Quốc nhiệt tình đón nhận. Nhiều gia đình nhìn nhận giá trị của người phụ nữ cao hơn xưa. Cấu trúc gia đình truyền thống Hàn Quốc và đậm chất Nho giáo đã dần thay đổi (chấp nhận ở rể, sống tách bố mẹ sau kết hôn, con cái mang cả họ cha và mẹ).

Thứ tư, thiết lập và sửa đổi hệ thống luật theo hướng bảo vệ và tăng quyền năng phụ nữ: Luật Y tế được ban hành năm 1987, cấm xác định giới tính thai nhi và được sửa đổi 10/1994 có biện pháp mạnh mẽ trong việc xử lý vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi (sẽ bị tịch thu giấy phép hành nghề và phạt tiền hoặc bị tù tới 3 năm).

Hủy bỏ điều luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai, con gái đều được thừa kế như nhau; Luật Gia đình thay đổi cơ bản, không còn đề cao hệ thống gia đình phụ hệ, thân tộc, gia trưởng.

Thứ năm, đổi mới hệ thống an sinh xã hội, tạo dựng hệ thống hỗ trợ người cao tuổi.

Bài học cho Việt Nam

Theo TS Tạ Hương, Việt Nam học hỏi được nhiều từ chính những bài học từ các quốc gia gặp hoàn cảnh tương tự.

Thứ nhất, cần phải điều tra tìm hiểu, xác định rõ diễn biến cũng như các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng GTKS tại Việt Nam, trên cơ sở đó có được các căn cứ khoa học để xây dựng các chính sách can thiệp giải quyết mất cân bằng cơ cấu GTKS;

Thứ hai, do nguyên nhân dẫn đến chênh lệch GTKS có liên quan đến rất nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, đặc biệt là các yếu tố tập tục, văn hóa truyền thống vốn ăn sâu trong tiềm thức của cộng đồng xã hội nên cần có hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, giáo dục kết hợp với pháp luật chặt chẽ. Song, trước hết cần triển khai mạnh mẽ, rộng khắp hơn nữa các giải pháp giáo dục, truyền thông, vận động để thay đổi nhận thức về tình trạng mất cân bằng cơ cấu GTKS cũng như hậu quả và hệ lụy xã hội của nó để từ đó thay đổi hành vi của người dân hướng tới hành vi sinh sản không chọn lựa giới tính;

Thứ ba, nguyên nhân sâu xa của mất cân bằng cơ cấu GTKS chính là sự bất bình đẳng giới sâu sắc, do vậy cần thiết triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội;

Thứ tư, giải quyết mất cân bằng GTKS cũng cần có những quy định pháp luật cứng rắn để xử lý những vi phạm mang tính răn đe, thông qua đó có tác động đến xã hội;

Thứ năm, giải quyết mất cân bằng trong cơ cấu GTKS cần sự cam kết chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đồng tâm hiệp lực cùng toàn xã hội chung tay cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ, liên tục và sự quản lý sát sao của chính quyền nhà nước các cấp trong giải quyết vấn đề này;

Thứ sáu, cần có tổ chức bộ máy chuyên trách đủ mạnh và ổn định cùng các chiến lược hành động cụ thể cho từng giai đoạn;

Thứ bảy, đảm bảo sẵn sàng các nguồn lực, đặc biệt là đầu tư tài chính đầy đủ để triển khai thực hiện các chính sách nhằm giải quyết mất cân bằng GTKS. Đặc biệt, cần có các cơ chế tài chính hỗ trợ để nâng cao vị thế của trẻ em gái và phụ nữ;

Thứ tám, mất cân bằng cơ cấu GTKS là vấn đề xã hội phức tạp, có tính liên ngành rất cao, do vậy cần thiết tăng cường xã hội hóa trong giải quyết vấn đề, đặc biệt là tăng cường phối hợp, mở rộng sự tham gia với các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ cùng tham gia.

TS Tạ Hương cũng lưu ý, do tính chất phức tạp và lâu dài của vấn đề nên để giải quyết vấn nạn mất cân bằng GTKS, Việt Nam cần thực hiện các bước đi thích hợp, không nóng vội.

Nguồn: Báo Gia đình và Xã hội


Thăm dò ý kiến