Các vấn đề khác

28/05/2014 | 00:00 AM

 | 

1. Về triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/05/2013. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc cấm hút. Để thực thi các quy định của Luật, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện các hoạt động sau:

- Tổ chức Hội nghị triển khai Luật với sự tham gia của 600 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, các tỉnh/ thành phố và tổ chức các hội thảo phổ biến Luật cho các cán bộ các bộ ngành, các trung tâm truyền thông và các cơ quan truyền thông đại chúng.

- Tích cực triển khai các văn bản hướng dẫn Luật, như Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, Nghị định số 77/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTH thuốc lá, Nghị định số 176/NĐ-CP ngày 14/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/2/2013, Bộ Y tế và Bộ Công thương về Hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, :

- Thực hiện các hoạt động truyền thông vận động thực thi Luật, như xây dựng các phóng sự, TV-spot vận động thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam và các đài địa phương; tổ chức tập huấn và cung cấp thông tin cho báo chí để viết bài vận động thực thi Luật; in biển báo “Cấm hút thuốc”,  poster vận động thực thi Luật và Nghị định phát cho các Bộ ngành, bệnh viện và 63 tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng các tài liệu hướng dẫn môi trường bệnh viện, trường học, công sở không khói thuốc theo quy định của Luật để phân phát cho các địa phương.

- Tập huấn cho lực lượng thanh tra y tế trên toàn quốc và tổ chức đoàn thanh kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các vi phạm về hút thuốc lá tại các địa điểm cấm theo quy định của Luật tại một số tỉnh/ thành phố.

- Triển khai thí điểm việc thực thi môi trường không khói thuốc và xử lý tình trạng vi phạm tại các địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật tại các thành phố như Nha Trang, Huế, Hạ Long, Hải Phòng.

Để thực thi có hiệu quả môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật, việc tiếp tục phổ biến các quy định của Luật cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là hết sức cần thiết. Vì vậy trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai thường xuyên hơn các hoạt động truyền thông phổ biến thực thi Luật, phối hợp liên ngành để thanh kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm và mở rộng các mô hình điểm về môi trường không khói thuốc, xử phạt các hành vi vi phạm quy định của Luật tại các tỉnh/ thành phố. Với các biện pháp đồng bộ và sự phối hợp liên ngành chặt chẽ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ dần đi vào cuộc sống, các hành vi vi phạm quy định về hút thuốc tại các địa điểm cấm sẽ giảm dần.

2. Về bệnh viêm đa dây thần kinh liên quan đến Vitamin B1ở Hòa Bình

a. Tình hình bệnh viêm đa rễ thần kinh

Theo báo cáo của Sở Y tế Hòa Bình, hội chứng viêm nhiều dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 được ghi nhận tại tỉnh Hòa Bình từ năm 1970, được coi là một bệnh địa phương, ghi nhận tại 3 huyện Kim Bôi, Lạc Sơn và Yên Thủy. Các trường hợp bệnh có đặc điểm chùm ca bệnh, khu trú trong một số gia đình, ở khu vực thôn, bản.

Trong giai đoạn 1970-1999, có 3.348 trường hợp mắc, trong đó có 79 trường hợp tử vong được ghi nhận tại huyện Kim Bôi (số liệu hồi cứu từ các báo cáo, không mang tính hệ thống).

Giai đoạn từ năm 2000 - 2012, theo thống kê toàn tỉnh ghi nhận 1290 trường hợp mắc trong đó có 6 trường hợp tử vong tại 3 huyện gồm Kim Bôi (642 trường hợp mắc, 0 tử vong), Lạc Sơn (603 trường hợp mắc, 6 tử vong) và Yên Thủy (38 trường hợp mắc, 0 tử vong).

Trong năm 2013, tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn ghi nhận chùm ca bệnh gồm 7 người mắc trong cùng gia đình trong đó có 1 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc tập trung vào một số xã nhất định, bệnh xuất hiện rải rác quanh năm nhưng cao nhất vào tháng 1, tiếp theo là tháng 7 và tháng 6.

Từ năm 2000 đến 2013 có 7 trường hợp tử vong, chiếm 0,5% tổng số mắc. Các trường hợp tử vong đều có biểu hiện khó thở, diễn biến nhanh. Trong 07 trường hợp tử vong từ năm 2000 đến nay có: 02 trường hợp tử vong tại trạm y tế, 01 tại Bệnh viện đa khoa huyện, 03 tại nhà và 01 trưởng hợp tử vong trên đường chuyển viện.

b.Nguyên nhân gây bệnh

Các trường hợp được chẩn đoán viêm đa rễ thần kinh liên quan đến vitamin B1 đã được điều trị và bệnh thuyên giảm, tuy nhiên việc xác định nguyên nhân cần phải được tiến hành điều tra, nghiên cứu thêm.

Ngày 07/6/2013, Sở Y tế Hòa Bình và UBND huyện Lạc Sơn phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW) đã tổ chức Hội thảo về hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1.

Tại buổi hội thảo đã đưa ra kết luận: Vấn đề thiếu vitamin B1 có thể đã tồn tại trong những năm 1970-1990. Tuy nhiên, cần tính đến khả năng thiếu vitamin B1 không phải là nguyên nhân chính của hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 trong giai đoạn hiện nay; phương pháp điều trị và dự phòng hội chứng viêm đa dây thần kinh bằng các vitamin nhóm B (và bổ sung canxi, vitamin D) chỉ làm giảm triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn, không giải quyết được vấn đề căn bản, lâu dài hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 vẫn được coi là một bệnh chưa rõ nguyên nhân ở địa phương; biểu hiện lâm sàng của nhiễm độc thủy ngân có nhiều điểm tương đồng với hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 (tê bì chân tay, yếu cơ, mất thăng bằng, tăng huyết áp, giảm thị lực…và có thể dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn, tử vong đối với những trường hợp nặng).

c. Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh trong thời gian qua:

- Ban hành “Hướng dẫn điều trị, chẩn đoán và phòng bệnh Hội chứng viêm nhiều dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1”, theo Quyết định số 2079/2000/QĐ-BYT ngày 11/7/2000.

- Bộ Y tế đã chỉ đạo và giao các viện/bệnh viện Trung ương và các đơn vị liên quan phối hợp với ngành y tế địa phương để tổ chức các biện pháp phòng, chống:

+ Điều tra, giám sát trường hợp bệnh, khám sàng lọc định kỳ tại cộng đồng, tập huấn cho 100% cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn/bản tại các xã có người mắc bệnh về các biện pháp dự phòng bệnh.

+ Truyền thông giáo dục sức khỏe, cấp phát 55.000 tờ rơi cho cộng đồng; hỗ trợ vitamin nhóm B, canxi... để dự phòng, điều trị bệnh và thực hiện thu dung điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

+ Trung tâm YTDP huyện cử cán bộ phối hợp với Trạm Y tế xã và y tế thôn bản, thường xuyên giám sát các ca bệnh mắc mới và tái phát tại các xã; hướng dẫn Trạm Y tế các xã có ca bệnh tăng cường giám sát và tư vấn cho bệnh nhân uống thuốc dự phòng.

Đã có một số nghiên cứu về hội chứng này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về căn nguyên gây bệnh.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp dự phòng:

- Tiếp tục chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ địa phương triển khai các can thiệp phòng, chống hội chứng tại các xã có người mắc bệnh gồm: phát hiện sớm, quản lý điều trị dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, tăng cường dinh dưỡng, vitamin.

- Đề xuất tổ chức hội thảo để đánh giá toàn bộ các điều tra, nghiên cứu và các can thiệp đã triển khai, từ đó định hướng các nghiên cứu xác định căn nguyên và yếu tố nguy cơ gây bệnh và can thiệp trong thời gian tới.

- Chỉ đạo Sở Y tế Hòa Bình:

+ Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, quản lý theo dõi các trường hợp mắc bệnh đã ổn định tại cộng đồng. Trung tâm y tế dự phòng và trung tâm y tế huyện phân công cán bộ phối hợp với trạm y tế xã và y tế thôn bản thường xuyên giám sát các trường hợp bệnh mắc mới, tái phát tại các xã; hướng dẫn trạm y tế các xã có ca bệnh tăng cường giám sát và tư vấn cho bệnh nhân uống thuốc dự phòng.

+ Tập huấn cho cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn/bản về các biện pháp dự phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi có ca bệnh nặng có nguy cơ tử vong hoặc khi xuất hiện các chùm ca bệnh, địa phương cần báo cáo ngay lập tức lên tuyến trên để có biện pháp hỗ trợ và thực hiện điều tra xác định nguyên nhân.

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, cung cấp hỗ trợ vitamin nhóm B, canxi... để dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Về thành lập Khoa Lão ở bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh

Ngày 15/10/2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 35/2011/TT-BYT Hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Khoản 2 và 3 Điều 2 của Thông tư quy định:

2. Các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa Nhi, bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng), bệnh viện y học cổ truyền có quy mô từ 50 giường bệnh kế hoạch trở lên phải bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại khoa khám bệnh. Căn cứ vào nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người cao tuổi, khuyến khích các bệnh viện thành lập khoa Lão khoa khi có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực.

3. Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Trạm y tế xã):

a) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi phù hợp với chuyên môn và chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế.

b) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi cô đơn theo quy định Khoản 2 Điều 13 Luật Người cao tuổi.”

Thực hiện Thông tư này, nhiều tỉnh đã thành lập Khoa lão trong bệnh viện đa khoa tỉnh.

4. Về đầu tư nguồn lực cho Chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đìnhcác tỉnh còn khó khăn, chưa cân đối được ngân sách:

- Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2012-2015 đặt nhiệm vụ ưu tiên là:

+ Giảm sinh ở vùng có mức sinh cao, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn;

+ Giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao;

+ Mở rộng sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và khám sức khỏe tiền hôn nhân ở các địa phương có nguy cơ cao.

- Việc phân bổ kinh phí trong Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ được thực hiện trên nguyên tắc:

+ Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ theo hướng Nhà nước chỉ bao cấp cho những người thuộc diện chính sách và người dân ở vùng khó khăn vùng sâu, vùng xa; khuyến khích những người thuộc nhóm còn lại tự chi trả hoặc chi trả một phần phí dịch vụ.

+ Tập trung đầu tư cho các tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế; tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao; tỉnh mở rộng sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

+ Ưu tiên đầu tư đối với vùng có mức sinh cao, huyện, xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, xã ven biển có đầm lầy, đầm phá, ngập mặn, âu thuyền, cảng cá, vạn chài, cửa sông, cửa biển, và huyện, xã có đông các nhóm đối tượng đặc thù, khó tiếp cận.

- Đối tượng được thụ hưởng của Chương trình DS-KHHGĐ chủ yếu là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định, người làm việc trên biển trước khi đi biển dài ngày, khi cập bờ và vào các âu thuyền tại các xã ven biển có nhiều người làm việc trên biển.

Như vậy, các tỉnh miền núi, các tỉnh có tỷ lệ sinh còn cao, chưa ổn định, sức khỏe sinh sản thấp đã và đang nằm trong diện ưu tiên đầu tư kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình.

Theo Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số-Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012-2015, tổng mức đầu tư thực hiện Chương trình là 8.990 tỷ đồng, dự kiến huy động từ các nguồn:

- Vốn ngân sách trung ương: 4.152 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46% trong tổng mức đầu tư (bình quân 1.038 tỷ/năm).

- Vốn ngân sách địa phương: 2.870 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32% trong tổng mức đầu tư (bình quân 718 tỷ/năm).

- Vốn vay, viện trợ: 968 tỷ đồng (11%);

- Vốn huy động từ các nguồn khác: 1.000 tỷ đồng (11%).

Trên thực tế, do nguồn ngân sách trung ương cho Chương trình DS-KHHGĐ ngày càng hạn hẹp, nên Nhà nước chỉ bố trí từ ngân sách trung ương năm 2012: 970 tỷ đồng; Năm 2013: 847 tỷ đồng và năm 2014: chỉ bố trí được 547 tỷ đồng (trong khi nhu cầu bình quân là 1.038 tỷ/năm). Trong đó 80% ngân sách trung ương được phân bổ cho các tỉnh, thành phố để đảm bảo thực hiện các  nhiệm vụ và chính sách cơ bản của Chương trình.

Nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho Chương trình cũng rất thấp: theo báo cáo của 17/63 tỉnh, thành phố, năm 2012,kinh phí địa phương bổ sung cho Chương trình chỉ khoảng 50 tỷ đồng; năm 2013, khoảng 30 tỷ đồng. Nguồn ngân sách địa phương chủ yếu bố trí để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và thực hiện chính sách khuyến khích và mục tiêu phù hợp với đặc thù của địa phương

Tại Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 31/8/2012, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong việc huy động nguồn lực và khai thác lợi thế của từng địa phương để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nội dung của Chương trình theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế và các Bộ, ngành chức năng.

Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT ngày 20/2/2013 quy định cụ thể về nguồn ngân sách địa phương như sau:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1199/QĐ-TTg.

- Thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ khác có liên quan trên địa bàn, huy động tối đa nguồn lực của địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện các chế độ, chính sách của địa phương nhằm triển khai các hoạt động bền vững và nâng cao hiệu quả của Chương trình.

Để có nguồn lực đảm bảo thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, cân đối nguồn ngân sách địa phương để tăng mức đầu tư từ ngân sách địa phương cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình tại địa phương.

5. Về phát triển y tế biển đảo

Ngày 07/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 317/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” với các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 gồm:

- Ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo.

- Đào tạo, bổ túc bác sỹ về Y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển cho 70% các bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và các bệnh viện ven biển thuộc các bộ ngành kinh tế biển;

-100% Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố ven biển và mỗi Bộ ngành kinh tế biển ( GTVT, NN và PTNT, Dầu khí) có 01 đơn vị, đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo;

-Với các xã đảo độc lập trên biển đạt 100% có trạm y tế xã, trong đó 50% đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo; 40% bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2.

- Đầu tư cho 04 trung tâm 115 đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển; 6 bệnh viện có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo và đóng mới 01 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm tính năng cấp cứu y tế cho 1-2 tàu Cảnh sát biển.;

- Xây dựng 02 mô hình trợ giúp y tế từ xa (telemedicine) từ bệnh viện vùng đến bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo và nhà dàn;

-100% người lao động trên các tàu biển, nhà dàn có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu;

- 100% tàu vận tải biển (tàu viễn dương) thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển.

Như vậy, thông tin của cử tri về việc 100% tàu thuyền trang bị đủ thuốc,  trang thiết bị y tế theo quy định, 50% người lao động trên tàu cá, 100% người lao động trên các tàu biển của các ngành kinh tế biển có kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu trên biển là chưa chính xác.

Đối với kiến nghị của cử tri, đây là những kiến nghị thiết thực, rất có ý nghĩa đối với người lao động, đặc biệt là ngư dân yên tâm ra khơi dài ngày. Để bảo đảm sức khỏe cho ngư dân, Bộ Y tế đã có một số biện pháp triển khai cụ thể như:

- Ban hành Quyết định số 372/QĐ-BYT ngày 30/01/2013 về Danh mục thuốc và dụng cụ y tế cho tàu cá của ngư dân, loại tàu đánh cá xa bờ, từ 7 đến 15 người. Danh mục là cơ sở để Sở Y tế các địa phương ven biển hướng dẫn chủ tàu triển khai trang bị thuốc, trang thiết bị y tế cho tàu cá đúng theo qui định;

- Phát hành cuốn sách “Huấn luyện y tế cho lực lượng dân quân tự vệ” năm 2009, trong đó Chương II hướng dẫn cấp cứu, cứu thương trên biển; đây là tài liệu cơ bản trong chương trình huấn luyện dân quân biển hàng năm do Ban Chỉ huy Quân sự phối hợp với cơ quan y tế thực hiện huấn luyện cho ngư dân;

- Đã làm việc với Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để xây dựng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin và hướng dẫn ngư dân biết liên hệ với các cơ sở y tế, thông qua các Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn khu vực;

- Đang triển khai thành lập 02 Bộ môn Y học biển tại Trường Đại học Y Dược Huế và Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, để tăng cường đào tạo cán bộ y tế có kiến thức về Y học biển, đặc biệt cán bộ y tế của các tỉnh, thành phố ven biển khu vực phía Nam, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho ngư dân.​

Thăm dò ý kiến