Cán bộ y tế Đắk Lắk thực hiện lời dạy của Bác về y đức

15/01/2015 | 11:03 AM

 | 

Không có nghề nào lại đi vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề y. Không có nghề nào như nghề y mà một lỗi lầm hay một thiếu sót, dù nhỏ nhất lại có thể gây nên những tác hại lớn nhất đến sức khỏe và tính mạng của con người.

Từ lâu đời người ta đã coi nghề y là một nghề quan trọng, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai nòi giống, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một dân tộc và toàn xã hội.

Các cán bộ y tế luôn làm  việc với cường độ gấp đôi nên rất dễ mệt mỏi, căng thẳng.

Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ ngành y tế trước tiên phải chú trọng y đức, đặc biệt đối với người bệnh “phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Lời dạy của người trải qua gần 60 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Công tác giáo dục y đức theo lời dạy của Hồ Chí Minh được ngành y tế tiến hành xuyên suốt. với câu nói “lương y như từ mẫu” đã trở thành một điều tâm niệm của người cán bộ y tế trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác cứu chữa người bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hàng năm, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các hoạt động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ ngành y tế thực hiện di chúc của Bác, noi gương tấm gương nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bằng những việc làm thiết thực và cụ thể. Qua đó, biểu dương những tấm gương cá nhân và tập thể xuất sắc trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời quán triệt tư tưởng “thầy thuốc như mẹ hiền” trong phục vụ chăm sóc bệnh nhân ở cơ sở khám chữa bệnh. 

Các phong trào đó được thể hiện dưới nhiều hình thức như: Hội thi tay nghề hộ lý, điều dưỡng giỏi, cán bộ y tế thanh lịch, quán triệt quy tắc ứng xử giữa thầy thuốc với bệnh nhân, với đồng nghiệp, phụ nữ y tế giỏi việc nước, đảm việc nhà,... Nhiều y bác sĩ không ngại khó khăn tình nguyện đến các xã vùng sâu, vùng xa để làm việc khắc phục điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn để chăm sóc tốt cho nhân dân tại buôn làng. Công tác phòng chống dịch bệnh xây dựng làng văn hóa, làng sức khỏe, tuyên truyền phòng bệnh luôn được chủ động, cán bộ không ngại khó khăn, gian khổ bám sát địa bàn thực hiện tốt công tác ngăn ngừa và dập dịch; chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh hướng đến nâng cao hiểu biết của người dân về luật khám chữa bệnh, biện pháp phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe.

Nhờ có những quán triệt sâu sắc về nâng cao y đức nên luôn trong tình trạng quá tải, phải làm việc với công suất gấp 2 lần so với quy định nhưng đa số các cán bộ y tế của Bệnh viện Đa Khoa tỉnh luôn thể hiện tinh thần thương yêu người bệnh, được bệnh nhân tin yêu. Bệnh nhân Nguyễn Văn Trung đang điều trị tại khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Đa Khoa tỉnh cho biết: “ngoài vấn đề phòng và giường bệnh còn chật chội phải nằm đôi là chưa hài lòng, còn lại các y bác sĩ ở đây rất tốt, bệnh nhân đông nhưng họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và cư xử với bệnh nhân rất thân thiện, chúng tôi thấy quý mên và biết ơn các cán bộ trong khoa”. Đa số bệnh nhân tại khoa Nội TH và khoa Ngoại chấn thương cũng có chung ý kiến như trên.

Muốn được chia sẽ với những khó khăn chị Nguyễn Thị Chung, điều dưỡng khoa Nội tổng hợp bệnh viện Đa Khoa tỉnh tâm sự rằng: Gần hai mươi năm trong nghề điều dưỡng bệnh viện, chị đã trải qua những vất vã của công việc. Trong đầu chị khi nào cũng suy nghĩ đến việc làm hài lòng bệnh nhân, phải tâm niệm những điều về y đức, phải có cử chỉ lời nói thân thiện với bệnh nhân và người nhà, thương yêu người bệnh. Theo quy định khoa phục vụ 70 bệnh nhân mỗi ngày, tuy nhiên thường xuyên phải phục vụ đến 140 bệnh nhân, đa số là bệnh nặng, bệnh cấp cứu. Các chị làm việc với cường độ gấp đôi nên rất dễ mệt mỏi, căng thẳng,  đôi khi không có thời gian để quan tâm nhiều đối với một vài bệnh nhẹ. Có một số người nhà không thông cảm với tình trạng đó nên gây gổ khó chịu, họ đã dùng những cử chỉ lời nói nặng nề với cán bộ y tế. Mặc dù vậy, anh chị em vẫn không được cáu gắt mà phải lo thuyết phục họ bằng tình cảm. Cũng nhờ điều đó mà càng ngày càng được bệnh nhân tin tưởng và thông cảm với nghề nghiệp của mình.

Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, học tập nghiên cứu để ứng dụng những thành tựu khoa học mới vào công tác khám chữa bệnh, nhiều cán bộ y tế còn tích cực tham gia những hoạt động của Hội Thầy thuốc trẻ, phong trào Đoàn thanh niên, Công đoàn… tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn miễn phí cho người nhân dân; tham gia hiến máu tình nguyện và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... những việc làm đó đã ngày càng tô thêm vẻ đẹp của người cán bộ ngành y, góp phần không nhỏ vào những thành tích đạt được trong những năm qua. 

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, là lí do khiến người dân chưa hài lòng trong quá trình khám chữa bệnh tại một số bệnh viện trong tỉnh như: Bệnh viện tuyến trên thường quá tải, phòng bệnh còn chật chội, thủ tục khám chữa bệnh còn rườm rà, người khám bệnh phải chờ đợi lâu, cơ sở vật chất của bệnh viện chưa đáp ứng nhu cầu người bệnh; Vẫn tồn tại đâu đó một vài cá nhân chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm, có thái độ chưa đúng với bệnh nhân đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy thuốc. Những vấn đề này cũng đang được ngành y tế cải thiện từng bước, với sự chung tay góp sức của tất cả những người thầy thuốc nhằm cải thiện sớm nhất, góp phần mang lại sự hài lòng cho người bệnh.

Trau dồi y đức đối với cán bộ y tế không phải là việc làm ngày một, ngày hai mà cả một cuộc đời. Bởi lẽ mỗi cán bộ y tế đã khoác trên mình tà áo trắng là đã mang trọng trách lớn lao với nhân dân, và luôn nhớ nghề y là một nghề cao quý, người cán bộ y tế phải luôn trau dồi y đức để xứng đáng với sự cao quý đó như lời dạy của Bác hồ: “Lương y như từ mẫu”.


Thăm dò ý kiến