Điểm tin y tế ngày 18/6/2018

19/06/2018 | 01:19 AM

 | 

 

I. THÔNG TIN TRONG NƯỚC    

1.     Vắc xin Hexaxim “6 trong 1” mới của Pháp đã chính thức có mặt tại Việt Nam

Ngày 16/6/2018, tại TP.HCM, Công ty CP Vắc xin VN kết hợp với Công ty Sanofi Pasteur VN đã tổ chức lễ ra mắt vắc xin Hexaxim “6 trong 1” thế hệ mới tại Trung tâm tiêm chủng VNVC TP.HCM (198 Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận- TP.HCM).

Vắc-xin Hexaxim 6 trong 1 mới là dạng hỗn dịch bơm sẵn trong kim tiêm, có tác dụng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, Hib và bại liệt. Dòng vắc xin này hiện được cấp phép lưu hành trên 100 quốc gia trên thế giới. 

Tại Việt Nam, trung tâm Tiêm chủng VNVC là nơi đầu tiên cung cấp loại vắc-xin này.

 Ông Thomas Gaudry, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Sanofi Pasteur VN cho biết, vắc xin của công ty đã được chứng minh tính hiệu quả, an toàn trên 23 nghiên cứu lâm sàng thực hiện trên nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Thực tế, vắc xin đã được cấp phép lưu hành trên 113 quốc gia với hơn 50 triệu liều được sử dụng cho trẻ em. 

Việc lựa chọn Trung tâm tiêm chủng VNVC là nơi đầu tiên ở Việt Nam để tiêm chủng loại vắc xin mới xuất phát từ sự đánh giá cao Hệ thống tiêm chủng VNVC không những quy mô lớn về cơ sở vật chất, hiện đại về dịch vụ mà quan trọng hơn đây là hệ thống tiêm chủng vắc xin đáp ứng các điều kiện khắt khe về kho lạnh, quy trình tiêm chủng đảm bảo tính an toàn cho khách hàng khi sử dụng vắc xin.

Phát biểu tại buổi ra mắt vắc-xin thế hệ mới, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vắc-xin Hexaxim 6 trong 1 mới lưu hành trên thế giới từ năm 2013. 

Trước khi về Việt Nam, vắc-xin này đã được kiểm nghiệm lâm sàng và được Bộ Y tế cấp phép. Sự có mặt của vắc-xin thế hệ mới nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt vắc-xin và nhu cầu tiêm phòng của người dân. 

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị công ty Sanofi Pasteur cam kết cung ứng đủ văc xin cho người dân, tránh những lần gián đoạn văcxin không cần thiết, ảnh hưởng đến việc cung cấp văc xin cho trẻ em. 

Ông Phu cho biết trong thời gian tới, loại văc xin thế hệ mới này sẽ tiếp tục có mặt tại các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều biến đổi phức tạp, nhiều loại vắc-xin tổng hơp như 5 trong 1 và 6 trong 1 nhập về Việt Nam luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu” thì sự ra đời của vắc-xin 6 trong 1 thế hệ mới Hexaxim từ nhà sản xuất Sanofi Pasteur được xem là tín hiệu đáng mừng cho thị trường vắc-xin thế giới nói chung và trong nước nói riêng 

Theo nhà sản xuất, vắc xin Hexaxim 6 trong 1 được chỉ định để tiêm chủng cơ bản và tiêm nhắc lại cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi để phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh xâm lấn do Haemophilus influenza týp b (Hib) gây ra. 

Đây là loại vắc xin thế hệ mới với hỗn dịch tiêm pha sẵn không cần hoàn nguyên giúp thời gian tiêm chủng cho trẻ được rút ngắn, góp phần đơn giản hóa việc tiêm ngừa, tiện dụng cho đối tượng tiêm chủng, tránh nhiễm khuẩn trong quá trình thao tác và đồng thời mang lại hiệu quả miễn dịch cao.

 Loại vắc-xin này đã được chứng minh về sự an toàn và tính dung nạp. Các nghiên cứu của Hexaxim với các vắc-xin 6 trong 1 khác thì Hexaxim không có sự khác biệt nhiều về phản ứng phụ toàn thân và tại chỗ, đồng thời không có tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra trong vòng 30 ngày và 6 tháng sau khi tiêm. 

Ngoài ra, sự đơn giản và tiện dụng, vắc-xin Hexaxim 6 trong 1 thế hệ mới giúp giảm 50% thời gian chuẩn bị trước khi tiêm.

Được biết hệ thống tiêm chủng dành cho trẻ em và người lớn của Trung tâm tiêm chủng VNVC là hệ thống tiêm chủng dịch vụ cao cấp đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động với 2 trung tâm tại  Hà Nội và TP.HCM.

 Ngày 17.6.2018, hệ thống sẽ đi vào hoạt động trung tâm thứ 3 tại tòa nhà ICON4 Cầu Giấy – Lầu 1-2, 243A Đê La Thành, P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội. 

Đây được xem là trung tâm tiêm chủng lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích 3.000 m2, bao gồm 80 phòng khám và phòng tiêm cùng các khu tiện ích cao cấp, dự kiến phục vụ 2.000-3.000 lượt khách mỗi ngày. 

Với cơ sở vật chất sang trọng, diện tích mặt bằng lớn, hệ thống quản trị hiện đại, đặc biệt là nguồn vắc xin phong phú, giá thành hợp lí... hệ thống VNVC sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

2.     Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV

Để đạt được mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh, 90% được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút ARV và 90% kiểm soát số lượng vi-rút ở mức thấp (mục tiêu 90-90-90) trong bối cảnh thuốc kháng vi-rút ARV không còn được cấp phát miễn phí thì việc sớm mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với những người có “H” đặc biệt quan trọng.

Mới đây, tại Hội nghị “Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc kháng HIV và hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT”, bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam cho rằng, BHYT là cột sống của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia, đặc biệt là tại Việt Nam. Nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp bội. Mặt khác, hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa hiểu hết được lợi ích của BHYT. Một số người cho rằng thuốc ARV vẫn đang được cấp miễn phí nên không cần tham gia BHYT, không biết rằng trong thời gian tới họ sẽ phải tự chi trả tiền thuốc điều trị. Đó là chưa kể những trường hợp không đủ sức khỏe nên không thể lao động, đang sống lay lắt qua ngày nên không có tiền mua BHYT.  

Về vấn đề phát triển thẻ BHYT cho người có “H”, bà Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc triển khai BHYT. Hiện cả nước đã có tới 83,4% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) có thẻ BHYT, trong đó 5 tỉnh, thành phố có 100% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT và 30 tỉnh, thành phố tỷ lệ này đạt hơn 90%. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV bằng những nguồn tài chính quan trọng.

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, với mục tiêu bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua BHYT từ ngày 1-1-2019 thì thời gian còn rất ngắn, lộ trình đưa thuốc ARV từ nguồn BHYT thay thế cho nguồn viện trợ đã rất rõ ràng. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương, chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV. Việc thanh toán ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc. Địa phương nào để bệnh nhân không tiếp cận được với thuốc ARV, trước tiên là trách nhiệm của lãnh đạo sở y tế. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các địa phương kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS chậm thì cần khẩn trương triển khai, vì phải thanh toán các dịch vụ y tế khác cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT với cơ quan BHYT để làm quen dần trước khi thanh toán thuốc ARV qua BHYT. Cơ sở điều trị HIV/AIDS nào nếu không thể ký được hợp đồng với BHYT cần phải chuyển bệnh nhân sang phòng khám, bệnh viện có hợp đồng với BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để nhiều cơ sở y tế có thể tham gia vào điều trị ARV.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho BHXH Việt Nam lồng ghép quản lý bệnh nhân HIV/AIDS, dữ liệu điều trị ARV vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của BHYT trong hệ thống chung cả nước. Có như vậy chúng ta mới có cơ sở dữ liệu quốc gia điều trị ARV để việc quản lý việc điều trị HIV/AIDS được tốt hơn.

Việt Nam được đánh giá là nước đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương sử dụng nguồn bảo hiểm cho điều trị HIV với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn. Với mục tiêu mà Việt Nam đề ra là đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT, 80% số thuốc ARV được Quỹ BHYT thanh toán thì việc trước mắt là Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần sớm hoàn tất việc rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn và trên cơ sở đó, dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu.

3.     MEDLATEC nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 17-6, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội và đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế...

Tại hội nghị, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vinh dự là một trong những đơn vị được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua. Bệnh viện cũng được ghi nhận là một trong 7 đơn vị đã có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua Khối Doanh nghiệp năm 2017 và đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đây là động lực, là niềm tin và trách nhiệm để mỗi cán bộ, nhân viên MEDLATEC phát huy nội lực, đưa con tàu MEDLATEC vươn ra biển lớn.

Trải qua 22 năm hình thành và phát triển, MEDLATEC đã lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt. Tự hào là đơn vị y tế tiên phong triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, đến nay MEDLATEC đã trở thành địa chỉ uy tín trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong 5 năm trở lại đây, MEDLATEC đã phục vụ gần 3 triệu khách hàng. Riêng năm 2017, MEDLATEC phục vụ gần 1 triệu khách hàng, ngày cao điểm lên tới 5.000 bệnh nhân. 

Trước những kết quả đạt được, thời gian qua MEDLATEC đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng năm 2016; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội; Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng...

4.     Tư vấn sức khỏe sinh sản cho công nhân

Nhằm trang bị những kiến thức hữu ích về sức khỏe sinh sản cho công nhân (CN), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên CN TP HCM vừa phối hợp cùng Quận đoàn Tân Bình tổ chức chương trình "Tư vấn sức khỏe sinh sản" tại Công ty Kiểm toán A&C.

Dịp này, 150 CN đã được bác sĩ Bành Thanh Lan (Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Phụ sản Mê Kông) và cử nhân hộ sinh Ủ Khương Nhựt (nữ hộ sinh trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Phụ sản Mê Kông) chia sẻ kinh nghiệm về khám sức khỏe tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai an toàn, tầm soát ung thư cổ tử cung đối với phụ nữ, những điều cần chuẩn bị trước và trong khi mang thai, chế độ dinh dưỡng sau khi sinh và lịch tiêm chủng cho trẻ...

Dịp này, CN còn được tham gia các trò chơi vui nhộn trong chương trình "Sân chơi giờ tan ca" như nâng bóng, đi cà kheo... 

5.    Kéo dài 4,2 cm chân giúp chàng trai bại liệt bước đi thăng bằng

Nam thanh niên 28 tuổi ở Cà Mau bị sốt bại liệt lúc nhỏ để lại di chứng chân phải ngắn hơn chân trái 4,2 cm.

Nhìn chân phải băng bó sau ca phẫu thuật kéo dài chân, chàng trai nở nụ cười rạng rỡ chia sẻ niềm vui khi chuẩn bị bước sang trang mới của cuộc đời. Từ nhỏ anh phải làm quen với dáng đi khập khiễng. Ở độ tuổi tâm lý chưa ổn định, lời trêu chọc khiến anh thu mình, sống khép kín thời gian dài. Đôi chân cà nhắc, anh khó khăn trong di chuyển lẫn xin việc làm. Anh còn thường xuyên bị đau các khớp ở chân ngắn và luôn tự ti về ngoại hình. "Ai sinh ra cũng đều muốn mình lành lặn, đâu ai muốn què quặt. Nhưng số phận, tôi đành chấp nhận", nam thanh niên chia sẻ. 

Anh đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP HCM thăm khám. Bác sĩ Phan Văn Tiếp, khoa Chấn thương Chỉnh hình đánh giá khả năng phẫu thuật thẩm mỹ để cân bằng đôi chân cho bệnh nhân. Phương án là phẫu thuật kéo dài chân phải giúp bệnh nhân có tư thế đi thăng bằng không còn khập khiễng, tránh thoái hóa các khớp, đau khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng và đau cột sống kéo dài. Mong muốn thay đổi cuộc sống, chàng trai chạy vạy gom góp đủ kinh phí để tiến hành cuộc phẫu thuật. 

Chân phải bệnh nhân được cố định bằng đinh Metaizeau trong lòng tủy. Sau đó các bác sĩ đặt dụng cụ Wagner kéo dài xương. Cuối cùng là đặt dụng cụ chuyên dụng cố định ngoài. "Trong bảy ngày, mỗi ngày chân phải sẽ được kéo dài một mm. Khi chân phải được kéo dài đến 4,2 cm bằng với chiều dài chân trái thì ngừng. Sau đó, đợi cho canxi xương mới mọc nhiều, đủ chịu lực thì có thể rút đinh. Thời gian dự kiến cho quá trình này thường 6-12 tháng", bác sĩ Tiếp chia sẻ.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định. Chàng trai trải lòng: "28 năm chờ đợi, cuối cùng ngày tôi đi những bước thăng bằng cũng đến gần. Tôi cứ ngỡ là đang mơ". 

Bác sĩ Tiếp cho biết, phương pháp phẫu thuật kéo dài chi được áp dụng cho những người ngắn chân bệnh lý như dị tật bẩm sinh, sốt bại liệt hoặc di chứng chấn thương gãy xương, bướu xương, các bệnh rối loạn tăng trưởng không đồng đều chi. Phẫu thuật thích hợp với những người ở tuổi trưởng thành. Khi xương được kéo dài, các tế bào gân cơ, mạch máu và thần kinh cũng sẽ phát triển dần theo để tương xứng với sự phát triển của xương. Do đó cần phải theo dõi, tập phục hồi chức năng một thời gian. Khi xương khớp đã ổn định, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân có thể đi lại sinh hoạt như bình thường.

6.    Hồi phục kỳ diệu của người đàn ông 5 năm liệt tứ chi

Khoảnh khắc có thể trở người ngồi dậy sau 5 năm nằm liệt giường, anh Đông thấy mình như được sinh ra lần nữa.

Đang là chủ doanh nghiệp xây dựng, trụ cột kinh tế gia đình, anh Đông bất ngờ bị tai nạn giao thông chấn thương cột sống, dập tủy vùng cổ ở tuổi 47. Từ Cà Mau, anh lên TP HCM điều trị ròng rã hơn một tháng, tưởng chừng không giữ được mạng sống. Tỉnh dậy khi tứ chi đã bị liệt, anh trở về Cà Mau chạy chữa thêm nhiều nơi, tốn hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không có hy vọng.

"Số lần châm cứu tính đến nay tính ra chắc đã mấy kg kim châm nhưng không cải thiện", anh Đông nhớ lại. Anh chỉ nằm một chỗ không thể tự ăn uống, vệ sinh, tắm rửa. Từ người đàn ông thành đạt, suốt 5 năm qua mọi sinh hoạt đều phải trông cậy vào sự trợ giúp của vợ và hai con. Kinh tế gia đình từ dư giả trở nên thiếu thốn, kiệt quệ, anh buông xuôi niềm tin về sự hồi phục và không chạy chữa gì thêm.

Qua sự giới thiệu của bạn bè, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 (TP HCM) biết đến hoàn cảnh của anh Đông, người bạn học thời phổ thông mất liên lạc đã lâu. Bác sĩ Khanh thuyết phục anh Đông còn nước còn tát, thử lên Sài Gòn chữa trị một lần nữa. Nghe những phân tích thấu đáo, chân thành của bạn, anh Đông như được tiếp thêm nghị lực và khăn gói đến Bệnh viện Quận 2 đầu tháng 5/2018.

Anh Đông được các bác sĩ cho xét nghiệm, MRI, CT... để kiểm tra, đánh giá toàn bộ. Phó giáo sư Dương Minh Mẫn, chuyên gia về thần kinh sọ não của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng hỗ trợ quá trình điều trị. Bệnh nhân được tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, kết hợp liệu trình thuốc bổ thần kinh, thuốc giãn cơ. Do có bệnh lý tiểu đường nên anh Đông được các bác sĩ nội tiết tham gia điều trị, kiểm soát đường huyết.

Sau gần một tháng kiên trì điều trị, ngày 3/6 anh Đông có thể tự mình ngồi dậy trong niềm hạnh phúc ngoài mong đợi của các y bác sĩ. Anh hào hứng ngồi xe lăn dạo một vòng ở hành lang bệnh viện. Ban đầu các bác sĩ dự kiến khoảng 2 tháng bệnh nhân mới có thể ngồi dậy. "Bác sĩ Khanh và các y bác sĩ đã sinh ra tôi một lần nữa, đây như là một phép màu kỳ diệu mà có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến", anh Đông xúc động. 

Bác sĩ Khanh đánh giá, sự hồi phục của anh Đông là nhờ bệnh nhân có nghị lực, niềm tin trở lại sau khi được phân tích thấu đáo. Các tế bào thần kinh sau quãng thời gian điều trị lúc trước đã bắt đầu hồi phục nhưng bệnh nhân chán nản, buông xuôi giữa chừng, nay được tập luyện đúng cách, hỗ trợ kịp thời thuốc bồi bổ thần kinh, thuốc giãn cơ. Yếu tố đường huyết, dinh dưỡng được kiểm soát cũng góp phần gia tăng hiệu quả hồi phục.

Hiện anh Đông vẫn nỗ lực tập luyện tại bệnh viện để có thể tự đứng được, tay cầm được chén ăn cơm, tự tắm rửa vệ sinh. Bệnh viện sẽ thực hiện phương pháp chiết xuất tế bào gốc từ mô mỡ tự thân của bệnh nhân để tiêm vào cơ thể, điều chỉnh những khiếm khuyết ở tế bào thần kinh và tủy sống. 

Vợ anh Đông bị đục thủy tinh thể cũng vừa được mổ Phaco trong dịp lên chăm chồng tại bệnh viện. Chị ước mơ được mổ cứu đôi mắt nhưng những năm qua vì phải túc trực bên cạnh lo cho chồng nên không có điều kiện đi phẫu thuật.

7.     Cao huyết áp cần chú ý đến các biến chứng, bác sĩ dạy cho bạn 4 cách giúp bạn giảm huyết áp nhanh chóng

Cao áp huyết là căn bệnh có thể dễ dàng gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người già. Cao huyết áp được coi là bệnh “giết người không báo trước” bởi vì bệnh gây nguy hại rất lớn tới sức khỏe, làm tổn hại các cơ quan như: tim, não, thận… và đặc biệt là dẫn tới nguy cơ tai biến mạch máu não, vốn rất nguy hiểm.

Bệnh cao huyết áp hiện nay đang có xu hướng ngày càng tăng lên vì vậy mỗi người cần nâng cao nhận thức về những biến chứng của căn bệnh này.

Các biến chứng của bệnh cao huyết áp

1. Bệnh thận mãn tính

Cao huyết áp làm hư màng lọc của các tế bào thận, làm bệnh nhân tiểu ra protein (bình thường không có); lâu ngày gây suy thận. Cao huyết áp còn làm hẹp động mạch thận, làm thận tiết ra nhiều chất Renin làm huyết áp cao hơn. Hẹp động mạch thận lâu ngày gây suy thận.

2. Bệnh mạch máu não

Khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong (triệu chứng của bệnh nhân tùy vào vùng xuất huyết lớn hay nhỏ, và tùy vị trí vùng xuất huyết).

3. Bệnh tim mạch

Cao huyết áp lâu ngày làm hư lớp nội mạc (lớp áo trong cùng) của mạch vành, làm các phân tử Cholesterol tỷ trọng thấp (Cholesterol-LDL) dễ dàng đi từ lòng mạch máu vào lớp áo trong động mạch vành

4. Bệnh hở mạch vành

Cao huyết áp làm hẹp mạch máu nuôi não (tương tự hư mạch vành), nếu mãng xơ vữa bị nứt, vỡ, làm hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu não gây chết 1 vùng não (còn gọi là nhũn não).

Khi bị hẹp động mạch vành nhiều, bệnh nhân thấy đau ngực, ngẹn trước ngực khi gắng sức, khi vận động nhiều, leo cầu thang, cơn đau giảm khi bệnh nhân ngừng gắng sức (triệu chứng bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ).

5. Bệnh động mạch

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do cao huyết áp sẽ có một vùng cơ tim bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Cao huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, nếu không được điều trị cao huyết áp cũng sẽ dẫn đến suy tim.

Chứng bệnh này thường diễn biến rất âm thầm, nên ít khi được phát hiện sớm. Phần lớn, bệnh được phát hiện khi đã có một hay nhiều biến chứng. Do vậy huyết áp cao còn được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng.”

Vậy làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát sự ổn định của huyết áp để tránh được sự biến chứng thành các bệnh nguy hiểm về sau? Hãy lưu ý đến 4 phương diện này:

1. Chú ý đến sự thay đổi của thời tiết:

Khi thời tiết chuyển lạnh, bệnh nhân cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài.

Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh. Tạo một môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa.

2. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý:

Điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý. Giảm mặn: (< 6 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày) ăn mặn sẽ gây giữ nước trong máu, gây tăng huyết áp.

Tăng cường ăn rau quả xanh, trái cây: chú ý ăn các thức ăn có chứa nhiều kali và magie và các nguyên tố vi lượng khác như khoai tây, rong biển, chuối, dưa hấu.

3. Chú ý đến vận động, luyện tập thể dục

Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần có chế độ thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh bị lạnh đột ngột. Vận động thường xuyên (chơi thể thao nhẹ, đi bộ hằng ngày) là lời khuyên số 1 của các bác sĩ cho những người bị cao huyết áp. Tránh những hoạt động mạnh, hoạt động gây căng thẳng thần kinh.

4. Sử dụng thuốc đúng lượng và kiểm tra định kỳ

Dùng thuốc nào là do thầy thuốc quyết định, nhưng ở người cao tuổi các thuốc nhóm sau thường được dùng: lợi tiểu, thuốc chẹn kênh calci loại tác dụng kéo dài, thuốc ức chế men chuyển… vì các nghiên cứu cho thấy lợi ích bảo vệ của thuốc tương hỗ đối với nhóm với người cao tuổi.

Đặc biệt chú ý phải khám sức khỏe định kỳ; không nên tự mua thuốc điều trị hoặc tự ý thay đổi liều lượng thuốc.

8.    Thừa cân ảnh hưởng đến chứng viêm khớp ở hông, gối như thế nào?

Béo phì khi trưởng thành được xem là yếu tố khiến tình trạng viêm khớp tồi tệ hơn nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy thừa cân béo phì khi nhỏ cũng làm tăng nguy cơ viêm khớp sau này.

Béo phì là là một tình trạng khủng hoảng toàn cầu và gây hậu quả nghiêm trọng không kém gì ung thư hay bệnh tim.

Viêm xương khớp gây đau khớp, cứng khớp; tình trạng sưng và đau có thể nặng lên theo thời gian, thường gặp ở đầu gối, hông và bàn tay. Nguyên nhân là do sụn khớp bị vỡ, khiến khả năng bạo vệ các đầu xương bị ảnh hưởng. Thừa cân có thể làm tình trạng viêm khớp tồi tệ hơn do tăng gánh nặng cho khớp xương.

Nghiên cứu mới nhất công bố tại Hội nghị thường niên châu Âu về bệnh thấp khớp 2018 (EULAR) cho thấy điều này có thể bắt đầu rất lâu trước khi tình trạng viêm khớp được chẩn đoán.

Nghiên cứu với 377.000 người tham gia chỉ ra rằng béo phì ở trẻ và viêm xương khớp - dạng bệnh phổ biến nhất ở người già – có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Johannes W. Bijlsma, chủ tịch EULAR 2018, cho biết: “Béo phì thơ ấu và trưởng thành đề là vấn nạn sức khỏe cộng đồng. Bằng di truyền học để tìm kiếm các dấu ấn sinh học, các nhà nghiên cứu nhận thấy mối quan hệ nhân quả giữa thừa cân, béo phì với bệnh viêm xương khớp. Đây sẽ là động lực để giải quyết vấn đề béo phì và giảm thiểu tình trạng khuyết tật liên quan”.

Nghiên cứu cũng dựa trên chỉ số BMI (so sánh chiều cao và cân nặng) để xác định xem liệu người đó có thừa cân hay không. Trong đó, BMI trên 30 là béo phì và nằm trong 18,5-24,9 là khỏe mạnh.

Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng cữ mỗi chỉ số khối cơ thể người lớn (BMI= 1 kg / m2) tăng, tỷ lệ viêm khớp tự phát, viêm khớp gối hoặc viêm khớp hông tăng 2,7%, 1,3% và 0,4% tương ứng. BMI ở trẻ em làm tăng đáng kể tỷ lệ viêm khớp tự phát, viêm khớp gối hoặc viêm khớp hông với các chỉ số lần lượt là 1,7%, 0,6% và 0,6% trên mỗi đơn vị BMI tương ứng.

Các nhà nghiên cứu cũng chưa tìm thấy mối liên quan giữa béo phì và viêm khớp tay.

Trưởng nhóm nghiên cứu, GS. Daniel Prieto-Alhambra cho biết: “Các kết quả cho thấy tác động của BMI ở người trưởng thành với viêm khớp gối mạnh hơn trong khi BMI khi nhỏ lại tác động tới khớp gối và khớp hông”.

“Điều thú vị là các phát hiện của chúng tôi trái ngược các nghiên cứu trước đây khi cho rằng có mối liên quan giữa béo phì khi nhỏ với viêm khớp tay”.

Thêm cân nặng, thêm áp lực lên khớp

Béo phì có thể làm cho viêm khớp thêm trầm trọng bởi trọng lượng cơ thể càng nặng, các khớp ở hông, đầu gối càng phải chịu nhiều áp lực. Còn nếu đã bị viêm khớp thì sự “đè nén” của trọng lượng cơ thể càng khiến khớp nhanh hư hại.

Theo Quỹ Viêm khớp, mỗi trọng lượng thừa sẽ khiến khớp gối tăng thêm áp lực tương đương 1,8kg. Vì vậy, 1 người thừa 4,5kg sẽ khiến gối chịu thêm 18kg áp lực. Nếu 1 người thừa 44kg kg cân nặng, thì đầu gối sẽ chịu thêm 181kg áp lực.

Thức ăn nhanh làm tăng mạnh tình trạng viêm khớp

Theo 1 nghiên cứu đăng tải tháng 4, thức ăn nhanh làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp, đau khớp.

Nghiên cứu của Trung tâm Y khoa ĐH Rochester (Mỹ) cho thấy vi khuẩn đường ruột có liên quan chặt chẽ với tình trạng viêm và dẫn tới cảm giác đau nhức xương của người thừa cân.

Khi chuột ăn các thực phẩm nhiều giàu mỡ, ruột của chúng sẽ chủ yếu là các vi khuẩn gây viêm, các vi khuẩn có lợi giảm sút hẳn.

Viêm xương khớp từ lâu đã được cho là hậu quả của tình trạng gia tăng áp lực lên khớp và việc giảm cân được xem là có thể ngăn ngừa tình trạng này.

Nhưng nghiên cứu này cho thấy cân bằng vi khuẩn đường ruột và bổ sung prebiotic sẽ giúp đảo ngược các triệu chứng viêm khớp ở ruột, ngay cả khi trọng lượng chưa giảm.

Bởi khi được nạp prebiotic thay vì các thực phẩm dầu mỡ, lượng vi khuẩn tốt đã cô lập những vi khuẩn gây viêm, khiến tình trạng viêm giảm xuống và làm chậm lại sự phá hủy các sụn ở đầu gối của chuột.

9.    Bị mảnh thủy tinh cứa đứt động mạch cổ tay, bé trai nguy kịch

Ngày 10/6, bé Nguyễn Mạnh Long (6 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Nhi Trung Ương điều trị với vết thương nặng ở cổ tay phải.

Bác sĩ CKII Lê Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, người trực tiếp phẫu thuật bàn tay cho bé Long chia sẻ, sau khi mở băng cấp cứu kiểm tra vết thương ở vùng cổ tay phải của Long, các bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương rất nặng nề: đứt toàn bộ động mạch quay, động mạch trụ, thần kinh giữa, thần kinh trụ, đứt gân gấp 4 ngón tay.

Nếu không được phẫu thuật kịp thời, nguy cơ phải cắt bỏ bàn tay phải của bệnh nhi là rất lớn.

23 giờ ngày 10/06 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm, các bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình Nhi chỉ định thực hiện phẫu thuật vi phẫu cấp cứu cho Long. Ca phẫu thuật vi phẫu kéo dài tới 3 giờ. Trong quá trình mổ, các bác sĩ nối động mạch quay, động mạch trụ, các dây thần kinh và gân gấp giữa các ngón tay.

Đây là ca phẫu thuật tương đối khó khăn vì các động mạch rất nhỏ, hơn nữa, bệnh nhi lại bị đứt cả hai động mạch. Trong trường hợp động mạch không được nối kịp thời, bàn tay không có máu nuôi dưỡng đủ sẽ dẫn đến hoại tử.

4 ngày sau phẫu thuật, viết thương ở bàn tay bé Long đã khô, đầu ngón tay hồng ấm, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt. Tuy nhiên, để bàn tay có thể cử động như bình thường, bé Long vẫn cần một quá trình phục hồi chức năng .

Tại khoa Chỉnh hình Nhi, mỗi năm, các bác sĩ tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn thương tâm ở trẻ nhỏ. Tai nạn do các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như vùng cổ, cổ tay, cổ chân gây đứt động mạch là một trong những trường hợp nặng và rất có thể làm chết trẻ nếu không được sơ cấp cứu đúng cách.

Để phòng tránh tai nạn thương tâm xảy ra với các em, bên cạnh việc hướng dẫn, tạo những không gian vui chơi an toàn cho con em mình, thì các bậc cha mẹ cũng rất cần trang bị các kiến thức sơ cấp cứu các vết thương mạch máu.

Theo BS Lê Tuấn Anh, khi tiến hành sơ cứu các vị trí như cổ tay, cổ chân phải tuân theo nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Có thể cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau (đường uống)

- Đặt gạc sạch, vải sạch, khăn tay sạch… lên trị trí vết thương sau đó băng ép cầm máu

- Đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị

- Tuyệt đối không tự ý rửa vết thương bởi khi vệ sinh vết thương không đúng cách có thể đưa vi khuẩn và các chất bẩn vào sâu bên trong vết thương.

10.   Vật lộn loại bỏ khối u đại tràng cho cụ ông 76 tuổi

Để phẫu thuật loại bỏ khối u cho cụ ông này, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương và bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phải vật lộn trong suốt 2 giờ đồng hồ.

Khối u đại tràng có kích thước 5cm x 6cm của cụ ông được bác sĩ Hứa Văn Đức đánh giá là một khối u có kích thước lớn. Nó khiến cho cụ ông bị rối loạn đại tiện, đi ngoài có nhiều nhầy máu mũi, ăn uống chậm tiêu hóa, bụng chướng, ấn đau tức mạn sườn phải.

Trước đó một tháng, cụ ông T.C.T (sinh sống tại Đoan Hùng, Phú Thọ) phát hiện có khói u đại tràng, nhưng do sức khỏe của ông yếu, cũng từng phẫu thuật điều trị để cắt mật, phẫu thuật sỏi niệu quản, phẫu thuật u mỡ phía lưng kèm theo bệnh tiểu đường và bệnh huyết áp nên gia đình xin nghỉ phẫu thuật sau. Gần đây, ông cảm thấy khó chịu, đi ngoài khó khăn, ăn uống không tiêu, gia đình mới đưa ông tới Bệnh viện đa khoa Hùng Vương để khám và điều trị.

Khối u lấy ra từ đại tràng của cụ ông 76 tuổi

Theo BS Hứa Văn Đức, bệnh nhân nhiều tuổi và thể trạng yếu nên quá trình phẫu thuật khá khó khăn, khối u có kích thước lớn gây tắc đại tràng, phía trên u ứ đọng nhiều bã phân, khối u đã xâm lấn ra phúc mạc thành phía bàng quang.

Để phẫu thuật loại bỏ khối u cho cụ ông này, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương và bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phải vật lộn trong suốt 2 giờ đồng hồ. Ca phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u đại tràng, tạo hậu môn nhân tạo cho ông. Hiện tại bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Ung thư đại tràng nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm sẽ giảm thiểu rất nhiều chi phí và đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. Nội soi đường tiêu hóa định kỳ 1 năm/ lần là cách tốt nhất phát hiện ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm. Khi có các dấu hiệu như bụng đau quặn, mót rặn, đi ngoài có nhầy máu mũi,… cần đến ngay bệnh viện để được bác sỹ kiểm tra sức khỏe và tư vấn cụ thể.

11.   Báo động đỏ liên viện cứu bệnh nhân bị đâm thủng tim, phổi nguy kịch

Cách đây ít ngày, một bệnh nhân nam (19 tuổi) được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận 11 trong tình trạng da niêm nhợt nhạt, có vết thương ở ngực trái gây thủng tim phổi, khó thở, huyết áp tụt. Ngay lập tức các bác sĩ cho nam thanh niên thở oxy, lập 3 đường truyền ngoại biên truyền dịch chống sốc, mắc monitor theo dõi, đồng thời báo động đỏ nội viện đến khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, khoa Hồi sức của bệnh viện.

1 giờ sau đó tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu hơn, da niêm nhạt, siêu âm tại giường phát hiện có dịch quanh lách, tràn dịch màng ngoài tim. Sau khi tái thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu do vết thương thấu tim, tràn khí màng phổi trái.

Bệnh nhân được truyền 1 đơn vị hồng cầu lắng đồng thời dự trù thêm 5 đơn vị, 2 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và chuyển mổ cấp cứu. Đồng thời, lệnh báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Chợ Rẫy được phát lên.

Nhận được báo động đỏ, ngay trong đêm ekip trực của Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức có mặt. Phát hiện vết thương cơ tim 1cm ngay đường ra của thất phải và vết rách 0,5cm ở phổi trái nên các bác sĩ đã tiến hành khâu vết thương tim và phổi, đặt dẫn lưu màng phổi trái và dẫn lưu trung thất.

Hơn 2 giờ được các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật khẩn cấp, tình trạng sốc mất máu của bệnh nhân đã ổn định lại. Sau nhiều ngày được hồi sức tích cực, đến nay bệnh nhân đã ngưng thở máy, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể được xuất viện trong vài ngày tới.

Sở Y tế TP.HCM cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy cử ekip bác sĩ đi hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong cấp cứu người bệnh nguy kịch. 

Nếu Bệnh viện quận 11 chuyển bệnh nhân cấp cứu đến Bệnh viện Chợ Rẫy như những năm trước đây thì khó có thể cứu sống bệnh nhân.

II. THÔNG TIN QUỐC TẾ

12.   Bác sĩ mở ngực để dùng tay massage tim cho bệnh nhân

Để cứu sống thiếu niên bị bò giẫm, các bác sĩ Trung tâm Y tế Portneuf (Mỹ) đưa ra quyết định liều lĩnh với tỷ lệ thành công 7%.

Ngày 18/5, Wyatt Bruesch tưởng chừng đã cầm chắc cái chết. Đang tham gia cuộc thi cưỡi bò tại Idaho, con vật của thiếu niên 16 tuổi bất ngờ nổi điên, hất và giẫm liên tục lên ngực người cưỡi. "Hãy tưởng tượng bị một toa tàu đâm phải, Wyatt nói với PEOPLE. “Đó là cơn đau khủng khiếp nhất bạn có thể nghĩ tới”.

Wyatt được đưa tới Trung tâm Y tế Portneuf (PMC) bằng trực thăng. Bên trong phòng cấp cứu, chàng trai trẻ chết đi sống lại ba lần. Cuối cùng, đội ngũ y tế do bác sĩ Jorge Amorim đứng đầu phải đưa ra quyết định liều lĩnh: Mở ngực bệnh nhân.

"Mở ngực cấp cứu chỉ được thực hiện nếu tình thế quá nghiêm trọng mà không còn cách nào khác", bác sĩ Drew McRoberts, trưởng khoa Chấn thương tại PMC cho biết. Theo ông, chỉ 7% bệnh nhân sống sót sau ca mở ngực nên rất ít bác sĩ dám tiến hành.

Để giành lại sinh mạng cho Wyatt, bác sĩ Amorim chấp nhận mạo hiểm. Rất nhanh chóng, ông mở ngực cậu thiếu niên và tự tay xoa bóp trái tim bệnh nhân để nó đập trở lại. Ngoài ra, suốt 15 phút chờ phẫu thuật, bác sĩ Amorim giữ chặt rốn phổi của Wyatt với mục đích ngăn lá phổi trái chảy máu. Nhờ đó, chàng trai thoát khỏi cái chết và trở thành người đầu tiên sống sót sau ca mở ngực cấp cứu tại PMC trong 100 năm qua.

"Đó đúng là một phép màu kỳ diệu", mẹ Wyatt là Nicole Erickson không kìm nổi sự xúc động. "Chúng tôi cực kỳ may mắn khi vẫn có con ở đây".

Sáu ngày sau tai nạn, Wyatt tỉnh táo trở lại với tâm trạng phấn chấn. Cậu đội nguyên chiếc mũ ở cuộc thi cưỡi bò và luôn nở nụ cười tươi. "Các bác sĩ đã mất rất nhiều kim tiêm, máu và công sức để cứu em. Thiếu họ, em đã không còn nữa rồi", Wyatt tâm sự.

Hiện nay, Wyatt đã được xuất viện. Gãy ba xương sườn và tám đốt sống lưng, cậu chưa thể đi lại bình thường song các bác sĩ khẳng định Wyatt sẽ hồi phục như cũ. Đặc biệt, dù gặp tai nạn suýt chết, chàng trai trẻ vẫn muốn gắn bó với nghiệp cưỡi bò. "Đó là đam mê của em. Em không thể từ bỏ chỉ vì một tai nạn", Wyatt nhấn mạnh.

13.   Bệnh dịch có tỉ lệ giết người cực lớn ở TQ có thể gây thảm họa toàn cầu

Virus cúm gia cầm hoành hành ở Trung Quốc gây lo ngại lớn bởi tỷ lệ giết người lên tới 38%.

Theo Daily Star, virus cúm H7N9, hay còn được gọi là bệnh dịch X, đang hoành hành ở Trung Quốc. Giáo sư Jonathan Van-Tam, chuyên gia y tế ở Anh cho rằng, H7N9 hoàn toàn có thể gây thảm họa toàn cầu.

Nó có thể gây kinh hoàng giống như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khiến 50-100 triệu người chết.

Giáo sư Van-Tam nói: “Đây là một ví dụ về loại virus đã chứng minh khả năng lây truyền từ gia cầm sang người”.

Kể từ khi nó lây lan sang người vào năm 2013, 1.625 người bị nhiễm H7N9, trong đó có 623 người tử vong.

Cho đến nay, loại virus này vẫn chỉ giới hạn ở việc lây truyền từ gia cầm sang người. Nhưng các nhà khoa học lo ngại rằng, việc nó lây từ người sang người chỉ còn là vấn đề thời gian.

Triệu chứng ban đầu là sốt cao, ho liên tuc và sau đó là viêm phổi. Bệnh dịch diễn biến nặng hơn sẽ gây tổn hại cơ quan nội tạng và khiến người bệnh chết trong đau đớn.

Chuyên gia về virus, John Oxford nói: “H5N1 được phát hiện năm 1997 và lây nhiễm ở khắp nơi trên thế giới trong 19 năm”.

“Nó có cơ hội tạo ra thảm họa toàn cầu, nhưng đã thất bại. H7N9 mới xuất hiện được vài năm và vẫn còn cơ hội thay thế H5N1”, Oxford nói thêm.

Tiến sĩ Jonathan Quick, cựu giám đốc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, dịch cúm hoàn toàn có thể giết hàng triệu người bởi tình trạng đông dân cư ở các thành phố, thị trấn.

14.   Bắt rắn hổ mang nấu ăn, và cái giá kinh hoàng người đàn ông phải trả...

Bắt được rắn hổ mang cực độc nhưng không bán lấy tiền, cũng không đem phóng sinh, người đàn ông ở Thái Lan đã đem nấu con rắn mà chỉ xử lý qua loa. Cuối cùng anh bị trúng độc, phải vào bệnh viện chữa trị. 

Sự việc hy hữu xảy ra ở quận Sai Mai, thành phố Bangkok, Thái Lan. Một người đàn ông trong lúc ra ngoài đã bắt được một con rắn hổ mang, một trong những loài rắn độc nhất thế giới.

Không đem phóng sinh con rắn hoặc đem bán lấy tiền, người đàn ông quyết định sẽ chế biến con rắn độc thành món ăn để nhắm rượu.

Thế nhưng, do không có kinh nghiệm, sau khi giết chết con rắn hổ mang, người này chỉ tùy tiện chém đứt một bộ phận trên miệng của con rắn, sau đó rửa sạch, không lột da cũng không loại bỏ nội tạng, trực tiếp ném vào nồi nước đem đun lên thành canh.

Chẳng ngờ, sau khi uống một hớp canh rắn hổ mang, người đàn ông đau đầu, chóng mặt và tê liệt các cơ. May mắn thay, anh được đưa đến bệnh viện cứu trị nhanh chóng, thoát khỏi cơn nguy hiểm.

Đáng nói, các bác sĩ không phát hiện trong máu của người đàn ông này có độc tố thường thấy trong nọc độc của rắn hổ mang. Hiện nguyên nhân trúng độc vẫn chưa được làm rõ.

Có chuyên gia lý giải, rắn hổ mang là loài rắn sở hữu nọc độc cực mạnh, dù chúng còn sống hay đã chết đều rất nguy hiểm. Tuy rằng dùng nước sôi có thể giúp khử được nọc rắn ra khỏi cơ thể nó, thế nhưng nọc rắn có thể tan vào trong nước. Hơn nữa, chế biến rắn độc mà lại không chịu lột da, loại bỏ nội tạng... còn có thể khiến ký sinh trùng sống dai dẳng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể, xâm lấn lên não, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy người đàn ông này may mắn thoát khỏi cái chết do sự bất cẩn, thế nhưng đây vẫn là một bài học đắt giá cho những ai muốn chế biến và làm thịt rắn hổ mang.  ​


Thăm dò ý kiến