Điểm tin y tế ngày 09/10/2018

09/10/2018 | 11:09 AM

 | 

1. Nghi vấn định hướng thầu tại Bệnh viện Mắt Trung ương: Bác nghi vấn thông thầu!?

Sau khi Báo Đầu tư số 3344 (ra ngày 10/9/2018) đăng bài viết về những nghi vấn của nhà thầu xung quanh các tiêu chí định hướng thầu tại 2 gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo tại Bệnh viện Mắt Trung ương, bên mời thầu đã nêu quan điểm.

Mua theo yêu cầu thực tiễn

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư ngày 4/10, lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định, “bên mời thầu mua theo yêu cầu thực tế”.

“Khi quyết định mua bất cứ thứ gì phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, chất lượng tốt và phải thích nghi từng tình huống với mỗi bệnh nhân. Chúng tôi có hiểu biết chuyên sâu về mặt hàng thủy tinh thể bệnh viện đang cần. Thủy tinh thể nhân tạo có nhiều đặc tính, mỗi loại lại thích ứng với bệnh nhân khác nhau. Mỗi nhà sản xuất lại cải tiến một đặc điểm nào đó của thủy tinh thể để ưu việt hơn. Đó là lý do khiến chủ đầu tư chia 2 gói thầu mua sắm thủy tinh thể thành nhiều lô (phần) thầu”, ông Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương nói.

Ông cho biết thêm, tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu trước hết dựa vào đặc tính từng loại thủy tinh thể và yêu cầu chuyên môn. Vì là bệnh viện tuyến cuối về mắt, nên phải giải quyết nhiều ca bệnh phức tạp, nên Bệnh viện Mắt Trung ương cần đa dạng các loại thủy tinh thể để giải quyết tất cả các nhu cầu điều trị. Ông Đông cũng khẳng định thêm rằng, bên mời thầu nghiên cứu kỹ và căn cứ trên đặc tính ưu điểm các loại thủy tinh thể về chất liệu, chiết suất, cấu tạo càng… 

Cần nhắc lại rằng, trong quá trình Bệnh viện Mắt Trung ương lựa chọn nhà thầucung cấp thủy tinh thể nhân tạo năm 2019, nhà thầu C (đề nghị không nêu tên) sau khi phát giác nhiều tiêu chí trong hồ sơ mời thầu mang tính chất định hướng tới sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo của một hãng sản xuất cụ thể và đã gửi văn bản kiến nghị tới bên mời thầu, Thanh tra Bộ Y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an.

Trong các văn bản kiến nghị của mình, nhà thầu C đã thống kê khá nhiều tiêu chí có tính chất định hướng.

Tại gói thầu thủy tinh thể nhân tạo mềm đơn tiêu, phi cầu được nạp sẵn trong injector (gói thầu số 5) nhà thầu này kiến nghị loại bỏ các tiêu chí không cần thiết, không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị như hằng số A, độ sâu tiền phòng, thiết kế càng, góc càng đặc trưng của mỗi hãng ở 6/9 phần thầu. Nhà thầu C còn trực tiếp chỉ ra rằng, với các tiêu chí hồ sơ mời thầu nêu ở (lô) phần thầu số 1 định hướng tới thủy tinh thể nhãn hiệu Micropure 123 do nhà thầu Công ty Thành Công phân phối và không có thủy tinh thể khác đáp ứng. “Với tiêu chí cấu hình yêu cầu “thuỷ tinh thể lắp sẵn, chất liệu acrylic hidrophobic, dải công suất P từ 0D đến +30.0D, thiết kế 4 càng mà hằng số A lớn hơn hoặc bằng 119, chiều dài kính nhỏ hơn hoặc bằng 11 mm” đã loại bỏ phần lớn sản phẩm thuỷ tinh thể của các hãng AMO, ALCON, HOYA, MBI…”, kiến nghị của nhà thầu C nêu.

Với cách tiếp cận vấn đề tương tự, nhà thầu này cho rằng, tại gói thầu số 5 định hướng tới các loại thủy tinh thể Micropure 123 (do nhà thầu Công ty Thành Công phân phối), KS -SP (do Công ty Phúc Xuân phân  phối), Vivinex iSert, iSert 251, HOYA PY - 60R (do Hãng Hoya sản xuất), Lucia 601PY (do Hãng CarlZeiss sản xuất), SZ - 1 (do Hãng Nidek sản xuất). Tương tự, tại gói thầu số 6, các tiêu chí có tính chất định hướng tới thủy tinh thể IQ của Hãng Alcon, thủy tinh thể Overview (do nhà thầu Công ty Thành Công phân phối), thủy tinh thể Tecnis Acrylic (do nhà thầu Công ty Bách Quang phân phối)...

Trước ý kiến của nhà thầu về việc hồ sơ mời thầu có nhiều tiêu chí như đã nêu trên khiến cho hạn chế nhà thầu tham gia, đại diện Bệnh viện Mắt Trung ương lý giải rằng: “Dưới góc độ chuyên môn chúng tôi cho rằng, tiêu chí nào đó có thể quan trọng với bệnh nhân này, nhưng không quan trọng ở hoàn cảnh khác. Khi đưa ra các tiêu chí, chúng tôi có cả một hội đồng khoa học của Bệnh viện bao gồm các chuyên gia đầu ngành. Quan điểm của nhà thầu về tiêu chí không quan trọng chúng tôi không bình luận”.

Khi được phóng viên Báo Đầu tư hỏi thẳng về các tiêu chí chính yếu để làm căn cứ lựa chọn nhà thầu, lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương lại cho rằng, “chúng tôi không phân biệt tiêu chí nào là chính yếu và cái nào là thứ yếu, bởi chính yếu trong phần này lại là thứ yếu trong phần khác”.

Với cách viện giải tương tự về nội dung những tiêu chí hồ sơ mời thầu đưa ra chỉ có sản phẩm của một hãng đáp ứng yêu cầu tạo ra sự hạn chế sự tham gia của nhà thầu khác, đi ngược với tinh thần cạnh tranh của Luật Đấu thầu, Bệnh viện Mặt Trung ương cho rằng, bệnh nhân không quan tâm đến thông số đó, cái quan tâm là hiệu quả sau điều trị. Đặc thù tại Bệnh viện Mắt Trung ương là các loại bệnh cực kỳ đa dạng, nên mỗi đặc điểm của thủy tinh thể cần cho loại bệnh khác nhau, bởi vậy, các tiêu chí đưa ra là có cơ sở.      

Bác nghi vấn thông thầu và giá cao

Ngoài nghi vấn các tiêu chí có tính định hướng thầu, nhà thầu C còn phản ánh “có dấu hiệu đáng quan ngại về chuyện thông thầu”.

Theo nhà thầu C, nếu nhìn vào kết quả vừa công bố, có thể thấy, nhiều nhà thầu “quen mặt” với Bệnh viện Mắt Trung ương sau khi vượt qua vòng chấm thầu kỹ thuật để lọt vào vòng chấm hồ sơ đề xuất tài chính với kịch bản “độc diễn” và... thắng thầu chung cuộc với giá trúng thầu cao.

Đơn cử, trường hợp nhà thầu Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Công. Cần thông tin thêm rằng, mấy năm gần đây, nhà thầu Thành công liên tục trúng nhiều gói thầu lớn do Bệnh viện Mắt Trung ương mời thầu. Chỉ tính tại thời điểm tháng 4/2017, bệnh viện này công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 7 gói thầu, với tổng giá trị hơn 383,6 tỷ đồng, nhưng Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Công đã “làm trọn” 5/7 gói thầu. Được biết, các gói thầu mà nhà thầu Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Công trúng thầu gồm gói hóa chất, vật tư tiêu hao theo máy; gói vật tư tiêu hao trong phẫu thuật; gói thủy tinh thể nhân tạo mềm đơn tiêu, phi cầu được nạp sẵn trong injector; gói thầu thủy tinh thể nhân tạo mềm đơn tiêu rời; gói thầu thủy tinh thể nhân tạo đặc biệt. Giá trúng thầu 5 gói thầu trên lên tới hơn 305,5 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc chiều ngày 4/10, ông Phạm Ngọc Đông cho phóng viên Báo Đầu tư biết, Bệnh viện chấm thầu theo đúng quy trình căn cứ trên hồ sơ và không biết được chuyện thông thầu, quân xanh - quân đỏ và không có thông tin về nội dung phản ánh này. Lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định, không thể nhìn vào hiện tượng để kết luận có hay không chuyện thông thầu.

Trong mối tương quan so sánh với giá trúng thầu thủy tinh thể ở một số nước, vùng lãnh thổ khác như Singgapore, Thái Lan, Hồng Kông… (mức giá từ 60 đến 90 USD tùy loại), thì giá trúng thầu thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Trung ương đang cao tới mức khó tin.

Lý giải về giá thủy tinh thể cao, phía Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, giá của hàng hóa phụ thuộc vào thời điểm mua sắm, vị trí người mua, số lượng hàng hóa mua sắm… “Chúng tôi muốn mua giá rẻ, lợi cho bệnh nhân, lợi cho Bệnh viện. Đây là vấn đề khó và nằm ngoài thẩm quyền của Bệnh viện, chúng tôi không lý giải được nguyên nhân sự chênh lệch giá”, ông Đông nói.

Ngày 24/8/2018, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương đã ban hành các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật 2 gói thầu thủy tinh thể nhân tạo mềm đơn tiêu rời và thủy tinh thể nhân tạo mềm đơn tiêu, phi cầu được nạp sẵn trong injector. Theo thông tin phóng viên Báo Đầu tư tìm hiểu được, thì các nhà thầu vượt qua vòng chấm tài chính đều dành phần thắng thầu chung cuộc. Thông tin cho phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 2 gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo, Bệnh viện đã tiến hành thương thảo và ký hợp đồng với các nhà thầu và đã nhập hàng để phục vụ điều trị.

Được biết, sau khi nhận được đơn khiếu nại của nhà thầu C, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện Mắt Trung ương giải quyết theo thẩm quyền, làm rõ các nội dung kiến nghị của nhà thầu. 

Khi sự khác biệt quan điểm giữa nhà thầu và chủ đầu tư đang rất khó khỏa lấp, thì việc Bệnh viện Mắt Trung ương từ chối cung cấp cho phóng viên Báo Đầu tư Báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu - chìa khoá quan trọng để làm rõ những nghi vấn đã phản ánh - sẽ khiến khoảng cách đó sẽ càng bị nới rộng thêm. Cần phải nhắc lại rằng, tài liệu này đã hết thời hiệu bảo mật theo luật định. (1786)

 

2. Việt Nam có hướng tiếp cận khác trong miễn dịch điều trị ung thư

GS.TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, học trò Việt Nam đầu tiên của GS Honjo, đã cùng cộng sự tại Đại học Y Hà Nội ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với phát minh tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch song với hướng tiếp cận khác.

Việt Nam có hướng tiếp cận khác

Giải Nobel Y học 2018 vừa được trao cho hai nhà khoa học nghiên cứu ra một liệu pháp điều trị ung thư mới, kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư. Tác giả của công trình này là hai nhà khoa học danh tiếng là GS Tasuku Honjo (76 tuổi, ĐH Kyoto, Nhật Bản) - người phát hiện ra PD1 và GS James P. Allison (70 tuổi, ĐH Texas, Mỹ) - người phát hiện ra CTLA4.

Học trò của GS Tasuku Honjo – GS.TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho hay, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư từ phẫu thuật đến xạ trị, hoá chất, điều trị đích. Khoảng 10 năm trở lại đây, có thêm liệu pháp miễn dịch với nguyên lý là tăng cường sức đề kháng của hệ thống miễn dịch của cơ thể mình với các tác nhân nội sinh và ngoại sinh.

Với liệu pháp này, các tế bào miễn dịch của bệnh nhân được phân lập, nhân lên và biệt hoá ở ngoài cơ thể sau khi đạt được số lượng lớn thì được truyền trở lại cơ thể người bệnh. GS Honjo phát hiện ra thụ thể PD-1, GS Allison phát hiện ra thụ thể CLTA-4. Khi tiếp xúc với tế bào miễn dịch, tế bào ung thư làm bất hoạt hai thụ thể nói trên khiến tế bào miễn dịch không nhận ra tế bào ung thư.

Nhờ phát minh của hai giáo sư, ngành dược đã sản xuất ra kháng thể kháng lại hai thụ thể PD-1 và CLTA-4, giúp tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư để tiêu diệt đích. Hiện nay, phương pháp này đã được thế giới áp dụng.

Tại Việt Nam, GS Thành Văn cho biết, các nhà khoa học trường ĐH Y Hà Nội dựa trên nguyên tắc của công trình đạt giải Nobel là tăng cường chức năng của hệ miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác, thông qua việc phân lập tế bào miễn dịch, tăng sinh và hoạt hoá ngoài cơ thể rồi đưa lại vào cơ thể bệnh nhân.

Từ 10-30ml máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ tách được vài triệu tế bào miễn dịch, sau đó nhân lên và biệt hoá được vài tỷ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Theo đó, mỗi liệu trình này được thực hiện sáu lần truyền trong ba tháng, mỗi lần truyền cách nhau hai tuần. Hiện nay tại phòng nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội chỉ thực hiện được 6-8 bệnh nhân cho một liệu trình.

Bệnh nhân được cải thiện rõ rệt về triệu chứng lâm sàng

Hiện đề tài này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đã thử nghiệm lâm sàng được gần hai năm trên 75 bệnh nhân mắc năm loại ung thư phổ biến: phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4.

Theo đánh giá của GS Tạ Thành Văn, sau hơn hai năm triển khai tại Trường Đại học Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã được áp dụng cho bệnh nhân ở các hình thái ung thư: thận, phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.

“Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt, có trường hợp ở ranh giới sống – chết nhưng giờ đã khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả dài lâu của phương pháp này”, GS Văn cho hay.

Theo kết quả điều trị tại Nhật, khi áp dụng liệu pháp này, khoảng 60% bệnh nhân có cải thiện các triệu chứng lâm sàng, 3% bệnh nhân giai đoạn 3b và 4 có khối u di căn không phát triển hoặc biến mất.

GS Tạ Thành Văn lưu ý, tế bào miễn dịch trị liệu là phương pháp điều trị hỗ trợ, dùng kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác. Ở giai đoạn sớm, vẫn ưu tiên các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị hay điều trị đích.

Hiện tại, có hàng trăm bệnh nhân đang chờ để được áp dụng phương pháp này, tuy nhiên, GS Văn cho biết, sẽ cần thêm hơn một năm nữa để kết thúc thử nghiệm lâm sàng. Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo lên Hội đồng Y đức và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, từ đó mới xem xét, quyết định có được áp dụng rộng rãi hay không. (930)

 

3. Nobel y học 2018 về đột phá điều trị ung thư: Bệnh nhân nào có thể điều trị bằng phương pháp này?

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã giành Giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018, công bố hôm 1.10 đang được đông đảo bệnh nhân quan tâm.

Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: Giải Nobel Y học năm 2018 là các công trình nghiên cứu mở đường trong điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch ức chế chốt kiểm. Lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel.

Allison dày công nghiên cứu chốt kiểm CTLA-4. Ông cùng vài nhà khoa học nhận thấy CTLA-4 hành xử hóa giải hoạt động của tế bào T (tế bào miễn dịch mạnh), giúp các tế bào ung thư vuột khỏi hệ miễn dịch để phát triển. Ông cũng các nhà khoa học đã kiên trì chiến lược ức chế chốt kiểm miễn dịch, đề xuất chế tạo thuốc ức chế chốt kiểm này. Năm 2011, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration) - FDA nhận thuốc ức chế chốt kiểm đầu tiên điều trị bệnh ung thư da hắc tố hay là mêlanôm.

Chốt kiểm miễn dịch PD-1, ở trên mặt tế bào ung thư được Tasuku Honjo tìm ra vào năm 2000. Sau đó, các nhà nghiên cứu và các công ty bắt tay điều chế được những loại kháng thể đơn dòng ức chế các chốt kiểm để trị ung thư: Các thuốc nivolumab và pembrolizumab (giúp trị tốt bệnh ung thư của nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter).

Sau này người ta tìm ra chốt kiểm đặt tên là PD-L1 và chế tạo các thuốc chống chốt kiểm. Đến nay, đã có thuốc ức chế chốt kiểm trị ung thư phổi mêlanôm, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư hạch... 

"Đây là tiến bộ mang tính đột phá khoa học nóng hổi trong điều trị một số loại ung thư. Liệu pháp miễn dịch ung thư đã được thế giới xác nhận. Tuy nhiên, người bệnh cần phải biết về liệu pháp này để không lạc quan quá mức"- GS Hùng khẳng định.

Liệu pháp miễn dịch thêm niềm hy vọng cho một số người bệnh. Các bác sĩ đã chứng kiến những khối bướu đe dọa mạng sống dần dần tan biến và một số bệnh nhân tuyệt vọng lại hồi phục lâu dài. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng được như thế. Chỉ có khoảng 15-20% số người bệnh được hưởng lợi từ liệu pháp miễn dịch. Các thầy thuốc và các nhà nghiên cứu còn chưa biết tại sao.

GS Nguyễn Chấn Hùng lưu ý phương pháp này không thể sử dụng cho tất cả bệnh nhân ung thư.

Theo GS Chấn Hùng, liệu pháp này thường áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư không thể điều trị, giai đoạn cuối, di căn. Bởi những bệnh ở giai đoạn sớm, các biện pháp như phẫu thuật, hóa trị liệu đã có thể phát huy tác dụng rất cao. Ngoài ra, thuốc chỉ sử dụng được đối với bệnh nhân có chốt kiểm dịch, không phải ai cũng có thể dùng.

"Bệnh nhân phải trải qua một số xét nghiệm để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch", giáo sư Hùng nói.

Bên cạnh đó, hai bệnh nhân tình trạng giống nhau, nhưng hiệu quả sẽ không tương đồng. Hiện nay, kết quả điều trị lâm sàng cho thấy không phải bệnh nhân nào có chốt kiểm miễn dịch khi dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng đều hiệu quả. Thực tế, khoảng 20% bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch có kết quả tốt. (651)

 

4. Thuốc được giải Nobel Y học không có tác dụng chữa khỏi ung thư

Loại thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch điều trị ung thư ra đời từ công trình nghiên cứu đạt giải Nobel Y học 2018 đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ cuối năm 2017 và đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng kéo dài sự sống chứ không chữa khỏi ung thư.

Chiều ngày 10/8, các sĩ  Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu (BV K TƯ) cho biết, thời gian qua, nhiều loại thuốc điểu trị ung thư đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, trong đó có thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch điều trị ung thư. Đặc biệt, loại thuốc này đã đạt giải Nobel Y học 2018.

 Nói về loại thuốc mới này, các chuyên gia cho biết, từ cuối năm 2017, BV K TƯ đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân bằng liệu pháp này.

“Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng đã điều trị thuốc trúng đích nhưng không hiệu quả đã được dùng liệu pháp miễn dịch. Sau 2 chu kỳ dùng thuốc miễn dịch, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, khối u vùng cổ đang giảm. Hiện chưa có kết quả đánh giá chung nhưng trên từng bệnh nhân cho thấy, tình trạng được cải thiện, khối u không còn bị di căn”, bác sĩ Đào Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu (BV K TƯ) dẫn chứng.


 Cũng theo bác sĩ Tú, thuốc được xem có hiệu quả ưu việt đối với bệnh nhân ung thư phổi và đang được mở rộng nghiên cứu với các loại bệnh khác như gan, thận, dạ dày, đại tràng, cổ tử cung, buồng trứng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K T.Ư, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư, không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u. 

Hiện nay, chi phí điều trị bằng liệu pháp dùng thuốc trúng đích cho một chu kỳ từ 60 triệu đến 120 triệu đồng, tuỳ cân nặng, lứa tuổi. Tuy nhiên, BHYT chưa thanh toán cho những loại thuốc của liệu pháp điều trị miễn dịch.

Các chuyên gia cũng cho biết, loại thuốc kiểm soát miễn dịch chưa thể điều trị ung thư triệt để và không thể chữa khỏi ung thư mà chỉ kéo dài cuộc sống. (440)

 

5. Mạnh tay xử phạt các quy định về an toàn thực phẩm

Ngày 20.10 tới, Nghị định số 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) bắt đầu có hiệu lực. Nghị định 115 có mức xử phạt "mạnh tay" hơn với các vi phạm về ATTP.

Nghị định cũng quy định rõ ràng các hành vi để dễ xử phạt, kể cả trong kinh doanh thức ăn đường phố. Nghị định 115 thay thế  Nghị định 178 ban hành từ năm 2013. Điều đặc biệt, Nghị định 115 loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định hình thức phạt tiền. Mức xử phạt này cao hơn nhiều so với hành vi tương tương trong Nghị định 178, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần, nhưng cũng có hành vi bị xử phạt tăng đến 10 lần (cụ thể như bơm tạp chất vào tôm với mức xử phạt tăng từ 300.000 đồng lên đến 3 triệu đồng).

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định có 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên, trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5 - 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1-2 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Đồng thời, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm. Do đó, một cơ sở vi phạm ATTP thì có thể bị phạt tới nhiều tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng.

Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm...

Theo ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) : Thức ăn đường phố là lĩnh vực kinh doanh phổ biến, nhiều người dân sử dụng, không thể xóa bỏ. Tuy nhiên, việc đảm bảo ATTP trong thức ăn đường phố còn rất nhiều vấn đề, do đó việc quy định xử phạt nghiêm khắc và tăng cường kiểm tra ATTP đối với hoạt động này là vô cùng cần thiết. Cùng là hoạt động kinh doanh ăn uống nhưng mức xử phạt với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn cao hơn nhiều (cao nhất tới 10 triệu đồng/vi phạm). Theo ông Châu, mức phạt 500.000 - 1 triệu đồng đối với kinh doanh thức ăn đường phố là vừa phải, để đủ mức răn đe. Do đó, không muốn bị xử phạt thì người bán hàng rong, cơ sở thức ăn đường phố cần khẩn trương bổ sung những điều kiện mình thiếu, vừa tránh bị phạt vừa bảo vệ người tiêu dùng, tạo uy tín cho cửa hàng.

Cũng theo ông Châu, có những hành vi sẽ xử phạt ngay như thức ăn không được che đậy; nước rửa cáu bẩn, rửa đi rửa lại nhiều lần, bốc thức ăn... Cũng có hành vi chưa xử phạt được ngay nhưng không có nghĩa là bỏ ngỏ để người bán hàng vi phạm. Trước mắt là phải tuyên truyền cho người bán biết được các vi phạm sẽ bị xử phạt để dần dần họ khắc phục, thay đổi hành vi. Không có luật nào, nghị định nào vừa ra đời là có thể “răm rắp” thực hiện ngay được mà cần thời gian, cần sự giám sát nghiêm khắc của cơ quan chức năng. (670)

 

6. Cục Y tế dự phòng lên tiếng về dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) chia sẻ với báo Công Lý, tay chân miệng là bệnh do virus lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Năm 2011, tay chân miệng đã gây ra dịch lớn trên cả nước với hơn 150 trường hợp tử vong.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Các tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…

Thống kê từ trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay trên địa bàn là hơn 1.600 ca, dù chưa tăng đột biến nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi. Hiện, trung bình mỗi tuần có thêm 30-50 ca mắc mới.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ với Zing: “Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh sởi và tay chân miệng bùng phát. So với năm 2011 đến nay, số bệnh nhân ở mức trung bình. Song, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc tay chân miệng và sởi đột ngột tăng mạnh. Đây là thời điểm bắt đầu mùa dịch nên số trẻ nhập viện dự kiến sẽ còn tăng”.

Bệnh viện vỡ trận vì số lượng bệnh nhân tăng nhanh

Theo PetroTimes, tại bệnh viện Nhi đồng 2, phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện ghi nhận, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 đến nay số ca bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân tay chân miệng nhập điều trị nội trú, tăng 13% so với trước đó. Số bệnh nhân điều trị nội trú hiện nay duy trì khoảng 110-120 bệnh nhân, trong đó có một ca phải thở máy. Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện có 2 bệnh nhân tử vong do tay chân miệng (ngụ ở Tây Ninh và Bình Dương).

Để tránh quá tải, bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tổ chức sàng lọc bệnh từ phòng khám, đồng thời lập ra bàn khám lọc bệnh nhiễm, để sàng lọc kỹ các trường hợp bệnh nhiễm, xem có cần thiết nhập viện hay không, tránh quá tải.

Tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng cũng gia tăng 15% trong khoảng 2 tuần nay. Bệnh viện dự kiến mở rộng thêm 40 giường để điều trị tay chân miệng, phối hợp với các bệnh viện quận, huyện lân cận tổ chức sàng lọc bệnh nhân tại cơ sở, tránh nhập viện không cần thiết.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khoa đang trở nên quá tải khi phải gánh cùng lúc 2 dịch bệnh theo mùa là sởi và tay chân miệng, đặc biệt, số bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện liên tục. Một số thời điểm, khoa phải tiếp nhận và điều trị hơn 240 bệnh nhi. Do dịch sởi và tay chân miệng không thể ở chung một khoa, ảnh hưởng đến vấn đề chống dịch, bệnh viện buộc phải cải tạo căng tin thành phòng bệnh và kê thêm giường mới đáp ứng đủ lượng bệnh nhi nhập viện gia tăng.

Những ngày qua bệnh viện đã hỗ trợ mì gói, xúc xích, sữa cho các y bác sĩ dùng thêm trong đêm trực. Hơn 50 điều dưỡng, 13 bác sĩ của khoa phải tăng cường công suất làm việc, hạn chế nghỉ phép tối đa. Lịch làm việc của bác sĩ Khanh cũng xáo trộn vì phải đi hỗ trợ chống dịch ở các tỉnh, hội chẩn các ca bệnh nặng, nghi ngờ bệnh nhiễm từ các khoa khác.

"Mùa chống dịch dạy các y bác sĩ trẻ lớn thêm, nhạy bén hơn, sức chịu đựng tăng dần, nhưng vài người quá sức phải ngừng cuộc chiến. Ai cũng nói to hơn vì bệnh vô liên tục, trong phòng nhiều tiếng khóc, bước nhanh hơn vì nhiều bé cần làm gấp, tư duy nhanh hơn vì cần phối hợp hội chẩn, mượn thuốc, xin dụng cụ, bàn giao bệnh", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Phân tích chuyên môn của bác sĩ Trương Hữu Khanh cho thấy, nguyên nhân dịch tay chân miệng bùng phát được cho là đến chu kỳ hàng năm song song đó có 2 chủng virus mới nên khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Thông thường, thời gian điều trị theo phác đồ cho các bệnh nhi này chỉ từ 4 ngày đến một tuần. Tuy nhiên, lần này bệnh viện phải theo dõi kỹ nên thời gian nằm viện kéo dài hơn. Thời điểm này mới chỉ là đầu mùa dịch, nếu khống chế ở mức trung bình đến cuối tháng 11 dịch sẽ hết.

Mùa dịch tay chân miệng năm nay xuất hiện nhiều ca nặng do có sự thay đổi gien gây bệnh từ B5 sang C4 của chủng Enterovirus 71 (EV71) khiến có nhiều ca mắc hơn và làm gia tăng các ca nặng. Dự báo sang tháng 11, dịch tay chân miệng sẽ tăng cao hơn nữa.

Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi công văn khẩn chống dịch tay chân miệng

Ngày 8/10, thông tin từ sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sở đã có công văn khẩn gửi trung tâm Y tế dự phòng, trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, các bệnh viện, phòng Y tế và trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Sở Y tế yêu cầu trung tâm Y tế dự phòng tổng hợp tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2018 đến nay, phân tích dịch tễ bệnh xác định yếu tố nguy cơ, vùng nguy cơ, dự báo dịch. Đồng thời, hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tuyến huyện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, không để bùng phát, lan rộng.(1125)

 

            7. Thử nghiệm thành công 2 vắc-xin sản xuất trong nước phòng cúm mùa và cúm đại dịch

TS. Lê Văn Bé - Viện trưởng Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đã thử nghiệm lâm sàng thành công 2 vắc-xin sản xuất trong nước phòng cúm mùa và cúm A/H5N1. Các kết quả chung cho thấy cả hai loại vắc-xin đều an toàn và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch ở người trưởng thành khỏe mạnh.

Các vắc-xin thử nghiệm bao gồm, vắc-xin cúm mùa bất hoạt tam giá phòng 3 chủng cúm - A/H1N1, A/H3N2, và B - và vắc-xin cúm tiền đại dịch bất hoạt A/H5N1, một loại chủng cúm gia cầm, đã rải rác lây truyền sang người trong những năm qua. Các vắc-xin này dự kiến sẽ được cấp phép lưu hành vào năm 2019 - đây là kết quả to lớn của 9 năm hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất vắc-xin và khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch của Việt Nam.

TS. Lê Văn Bé bày tỏ cảm ơn các đồng nghiệp lâu năm tại Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về Y sinh học (BARDA) thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Hoa Kỳ, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và PATH (một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu), những người đã đóng góp rất nhiều cho quá trình thúc đẩy năng lực phát triển vắc -xin cúm ở Việt Nam

Từ năm 2010, PATH đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam xây dựng kế hoạch dài hạn liên quan đến sản xuất và sử dụng vắc-xin cúm, hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng và hướng dẫn đăng ký vắc -xin cúm. Đồng thời, PATH phối hợp với BARDA và WHO hỗ trợ IVAC phát triển sản xuất vắc-xin cúm mùa và cúm tiền đại dịch sử dụng công nghệ trứng gà có phôi. Bên cạnh đó, PATH cũng hỗ trợ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) phát triển vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1 bất hoạt sử dụng công nghệ nuôi cấy trên tế bào.

Giữa năm 2017 và 2018, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2/3 vắc-xin cúm mùa của IVAC để phòng 3 chủng cúm, và vắc-xin cúm A/H5N1 đã được hoàn thành. Đây là đánh giá cuối cùng trước khi các vắc-xin có thể được cấp phép để lưu hành. Các thử nghiệm lâm sàng đã đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của cả hai loại vắc-xin ở người trưởng thành khỏe mạnh.

Kết quả tổng thể cho thấy các vắc-xin được dung nạp tốt và có khả năng tạo đáp ứng miễn dịch bảo vệ. IVAC đang trong quá trình nộp hồ sơ xin đăng ký lưu hành cho cả vắc-xin cúm mùa và vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Dự kiến cả hai loại vắc-xin sẽ được cấp phép lưu hành vào năm 2019.

Tiến bộ đáng kể trong việc việc sản xuất vắc-xin cúm bền vững đã thiết lập vị trí của Việt Nam trở thành một nhà tiên phong trong phát triển và sản xuất vắc-xin trong số các nước có thu nhập thấp và trung bình. Những nỗ lực của IVAC trong việc tự sản xuất vắc-xin cúm trong nước sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam, mà còn giúp tăng nguồn cung ứng vắc-xin cúm trong khu vực và trên thế giới.(588)

 

8. Từ chối cấp cứu thiếu úy uống nhầm ma túy, bác sĩ bị điều chuyển công tác

Bác sĩ trực từ chối cấp cứu thiếu úy uống nhầm ma túy bị chuyển về phòng hành chính, không được làm công tác chuyên môn.

Liên quan đến vụ thiếu úy Nguyễn Đức Đạt (26 tuổi, công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy, Công an huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) uống nhầm ma túy đá dẫn đến tử vong, chiều 8-10, một lãnh đạo của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, thông tin bác sĩ Nguyễn Phong T., người trực vào đêm 13-7 và từ chối cấp cứu thiếu úy Đạt, đã bị Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Long điều chuyển công tác. Theo đó, bác sĩ T. bị chuyển về phòng hành chính, không được làm công tác chuyên môn vào thời điểm này.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào đêm 13-7, thiếu úy Đạt cùng đồng đội thực hiện kế hoạch bắt quả tang các đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại ấp Phước Trinh (xã Long Phước) và bắt được 1 đối tượng nghi vấn nên dẫn về nhà người dân gần đó lập biên bản. Trong lúc này, Đạt đi vào trong nhà người dân này lấy ca nước bằng nhựa uống. Sau đó, Đạt than nhức đầu, chóng mặt nên đồng đội gọi cho gia đình thiếu úy cùng đưa đến BVĐK Vĩnh Long cấp cứu.

Nhưng khi vào bệnh viện, bác sĩ T. từ chối cấp cứu, cho rằng thiếu úy Đạt bị rối loạn hành vi, biểu hiện của bệnh lý tâm thần cấp tính. Bác sĩ giải thích với người nhà vì BV không có chuyên khoa sâu tâm thần nên đề nghị đưa bệnh nhân đến BV Tâm thần để được điều trị chuyên khoa hợp lý hơn. Khi chuyển qua BV Tâm thần tỉnh cách đó 5 km thì thiếu úy Đạt tử vong. Kết quả giám định chất lỏng mà thiếu úy Đạt uống trong ca là ma túy là loại methamphetamine (ma túy đá) thể tích 500 ml, khối lượng methamphetamine trong 500 ml hơn 10 gram. Nguyên nhân tử vong của thiếu úy Đạt do ngộ độc chất ma túy methamphetamine.

Kết luận của cuộc họp hội đồng chuyên môn do Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long nhận định, nhân viên trực cấp cứu có sai sót về chuyên môn vì chưa khai thác bệnh sử và thăm khám đầy đủ nên chẩn đoán ban đầu còn chủ quan, vội vàng. Tuy nhiên, kết luận cũng nêu bác sĩ không có biểu hiện thiếu trách nhiệm. (439)

 

9. Bệnh tay chân miệng vào mùa: Cảnh báo từ những con số

https:// Bệnh tay chân miệng thường xảy ra nhất với đối tượng trẻ nhỏ và trẻ trong độ tuổi đến trường. Bệnh tuy có diễn biến nhẹ, từ từ nhưng cũng có thể khiến bệnh nhân gặp biến chứng nguy hiểm, có những trường hợp chuyển biến xấu rất nhanh trong vòng vài giờ.

Bên cạnh đó, mỗi lần nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định, bệnh nhân có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm vi rút khác thuộc nhóm enterovirus.

Thông tin trên trang điện tử news.zing.vn cho biết, thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam.

Hiện nay, dịch bệnh tay chân miệng được dự báo có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt khi học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tích cực tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm: Vi rút gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Bệnh tay chân miệng rất phổ biến ở Việt Nam và xảy ra hàng năm. Ở miền Nam Việt Nam, số ca nhiễm bệnh này có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.

Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết: Bệnh tay chân miệng do nhiễm vi rút coxsackievirus A16 là bệnh ở thể nhẹ, và gần như tất cả bệnh nhân đều hồi phục sau từ 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế và ít có biến chứng.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng gây ra bởi vi rút EV71 có thể tiến triển thành bệnh viêm màng não và viêm não, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các biến chứng về thần kinh, tim mạch và hô hấp. Đã có những trường hợp tử vong do vi rút EV71 gây bệnh viêm não trong các đợt bùng phát.

Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện bao lâu sau khi nhiễm bệnh?

Thời kỳ ủ bệnh thường thấy (từ khi nhiễm bệnh cho đến khi bắt đầu có triệu chứng) là 3-7 ngày.

Sốt, kéo dài từ 24 đến 48 tiếng, là triệu chứng đầu tiên thường gặp của bệnh tay chân miệng.

Các triệu chứng của bệnh:

Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng.

Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở đau rát xuất hiện trong miệng. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.

Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường khu trú trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục.

Bệnh nhân có thể không có triệu chứng, hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng: Hiện nay chưa có phương pháp đặc trị bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như sốt hay đau do các vết loét.

Các biện pháp phòng ngừa:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã;

- Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng;

- Tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng, v.v) với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm;

- Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập đông người cho đến khi khỏe hẳn;

- Theo dõi sát sao tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu sốt cao liên tục, mất tỉnh táo và hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu;

- Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho;

- Vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác được đậy;

- Giữ vệ sinh tại nhà, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà trẻ mẫu giáo hoặc tại trường học. (957)

 

10. Suýt mất mạng nghi do rắn cạp nia cắn

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) vừa cứu sống người bệnh là nam giới, 34 tuổi, dân tộc Mường, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu nghi do rắn cắn.

Theo đó, anh Tạ Văn H (34 tuổi, ở Cẩm Khê - Phú Thọ) được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp.

Qua thăm khám, sau khi có kết quả cận lâm sàng, loại trừ các bệnh lý do tổn thương thực thể thần kinh, tình trạng hôn mê sâu, mất hết các phản xạ, người bệnh được chẩn đoán xác định là rắn cạp nia cắn.

BS Nguyễn Thị Thanh Mai -  Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) - cho biết: Đây là một ca bệnh đặc biệt bởi người bệnh được đánh giá là hôn mê sâu, liệt thở hoàn toàn, liệt tứ chi, mất hết các phản xạ, đồng tử giãn tối đa mất hoàn toàn phản xạ. Khi đã loại trừ được các nguyên nhân từ não, nguyên nhân thường gặp là do rắn cạp nia cắn.

Với trường hợp bệnh nhân H, các bác sĩ đã cho điều trị bằng thở máy, dùng kháng sinh chống bội nhiễm, kiểm soát dịch và điện giải, dinh dưỡng, chăm sóc toàn diện. Tình trạng cơ lực cho người bệnh được cải thiện tốt, dần dần tỉnh, tự thở được và đã được rút nội khí quản sau 12 ngày thở máy. Người bệnh khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng và đã được ra viện sau 14 ngày điều trị. (283)

 

11. Ngộ độc thực phẩm tại trường học: Con ăn ở trường, cha mẹ... run!

Chỉ trong 3 ngày (3-5.10) đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học khiến 500 trẻ phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, sốt nhẹ, đau bụng, đi ngoài. Thực trạng này khiến rất nhiều phụ huynh - những người có con học bán trú, ăn trưa và chiều tại trường - hết sức lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của con em mình.

Náo loạn vì hàng trăm trẻ nhập viện

Chiều 5.10, hơn 350 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP.Ninh Bình (Ninh Bình) có triệu chứng buồn nôn, nôn, sốt, có em bị tiêu chảy, do ngộ độc thực phẩm. Việc cùng lúc hàng trăm trẻ nhập viện đã gây lo lắng, hoang mang cao độ cho phụ huynh. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã cử đoàn công tác do TS Cao Văn Trung - Phó trưởng Phòng giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền Thông làm trưởng đoàn vào Ninh Bình hỗ trợ điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Qua điều tra và tìm hiểu bữa ăn nguyên nhân, được biết bữa ăn trưa 5.10 do bếp ăn tự nấu của nhà trường thực hiện, có hơn 900 học sinh của trường ăn bữa trưa bán trú với các món tôm chiên, ruốc gà, canh xương gà nấu với cà chua. Sau bữa ăn, các học sinh bắt đầu có dấu hiệu buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa, đến khoảng 15 giờ 30 chiều cùng ngày hơn 100 em học sinh đã phải nhập viện. Sau đó, số học sinh nhập viện tiếp tục tăng, đến cuối giờ chiều là 352 em.

Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Ninh Bình đã lấy mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, tạm thời đình chỉ hoạt động bếp ăn của nhà trường. Theo thông tin ban đầu, nghi vấn ruốc thịt gà do nhà trường tự chế biến bị nhiễm khuẩn.

Trước đó, sáng 3.10, tại Trường Tiểu học Bán trú Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cũng đã có hơn 170 em học sinh bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... và phải đưa đi bệnh viện sau khi ăn bữa sáng do nhà trường tổ chức. Bữa ăn sáng gồm có xôi và thịt băm. Theo ông Nguyễn Như Chưởng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang: “Ngành chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm về xét nghiệm nhằm làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, có khả năng nguyên nhân gây ngộ độc là do thịt lợn làm thịt băm hoặc ruốc bị nhiễm khuẩn do để ôi thiu”.

Đến chiều 8.10, ở cả hai trường nói trên, các học sinh bị ngộ độc đã ra viện, tiếp tục được theo dõi sức khỏe ở nhà.

Chị Đ.T.L ở phố Đội Cấn, Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có 3 cháu thì cả 3 đều học bán trú. Hai cháu học mầm non và 1 cháu lớn học tiểu học. Khi đọc thấy thông tin vụ ngộ độc tại trường học ở Ninh Bình, thực sự tôi rất lo lắng, không hiểu nhà trường làm ăn kiểu gì để xảy ra tình trang đó. Ngay sau đó, tôi có gọi cho phía trường con tôi đang theo học để hỏi xem nhà trường có nhập nguyên liệu sạch và chế biến đảm bảo hay không”.

Khó kiểm soát “đầu vào”

Tình trạng ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể trong đó có bếp ăn ở các trường học đang là mối lo ngại của cơ quan chức năng. Theo TS Cao Văn Trung, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên đã gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người.

Theo ông Trung, ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học xảy ra ở hầu hết các tháng trong năm, nhiều nhất ghi nhận vào tháng 3 và tháng 10. “Vào tháng 3, tháng 10 điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm vào mùa xuân, mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, do vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể cao hơn so với thời điểm khác trong năm”- ông Trung cho biết.

Ngoài yếu tố “thời tiết”, nguyên nhân để xảy ra ngộ độc trong trường học thường là do khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại các trường học; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở rất thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về ATTP (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...). Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, ban giám hiệu tại các trường học chưa sâu sát quan tâm vấn đề ATTP, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Trước đó, tại một số trường tiểu học, phụ huynh và người  dân đã từng phát hiện và ngăn chặn nhiều thực phẩm bẩn, thối được đưa vào trường học để nấu cho học sinh ăn. Cụ thể như ngày 12.9.2017, một số phụ huynh đứng đón con ở cổng Trường Tiểu học Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thì phát hiện một chiếc xe ba gác chở rau, quả, thức ăn vào trong trường để phục vụ bữa ăn trưa cho các học sinh học bán trú tại đây.

Trước đó, ngày 14.1.2016, một số lượng rau, củ quả và thực phẩm không có nguồn gốc của Công ty Trung Thành đã bị lực lượng chức năng thu giữ tại Trường tiểu học Phú Thượng quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo điều tra, các nhân viên của công ty này thường mua gom rau, củ quả tại chợ đầu mối rau Vân Nội (Đông Anh) về sơ chế và “phù phép” tại ngay sân của công ty để thành rau quả an toàn rồi cung cấp cho các trường học.

Như vậy, chỉ cần lơi lỏng công tác kiểm soát là trẻ em có thể bị ăn phải thức ăn bẩn, ôi thịu, kém chất lượng.

Khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại bếp ăn tập thể cũng là mối lo lắng của các chuyên gia y tế, an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với những trường học, công ty ký hợp đồng cung cấp thức ăn với bên thứ 3. Nguyên nhân là do cơ sở cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, khó kiểm soát được thực phẩm đầu vào, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài, nếu phương tiện vận chuyển không bảo đảm cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng…

Theo một hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Nội, dù đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các công ty nhưng nhà trường không thể “phó mặc” mà thường xuyên phải kiểm soát thực phẩm hàng ngày. Bếp trưởng sẽ kiểm tra xem thực phẩm có tươi sống, sạch sẽ hơn mới nhận. Nhà trường cũng phối hợp với Ban phụ huynh để cùng kiểm tra thực phẩm hàng ngày hoặc đột xuất. “Thực phẩm cho các con cần phải được kiểm tra mỗi ngày, nhân viên nấu ăn phải thường xuyên được nhắc nhở, cập nhật kiến thức phòng chống ngộ độc thực phẩm, nếu lơi là sẽ rất có khả năng xảy ra ngộ độc tập thể” – vị hiệu trưởng này cho biết. (1359)

 

12. TPHCM: Dịch sởi, tay chân miệng tiếp tục tăng “nóng”

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp khi số trẻ mắc sởi, tay chân miệng trong tuần qua tiếp tục tăng cao. Bác sĩ khuyến cáo để tránh nguy hiểm đến tính mạng con trẻ, phụ huynh cần chủ động theo dõi, phát hiện, đưa trẻ đến bệnh viện khi có những biểu hiện nặng.

Ngày 8/10, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết, dù đã nỗ lực phối hợp truyền thông, phòng chống nhưng tuần qua số bệnh nhân tay chân miệng và, sởi tiếp tục gia tăng.

Bệnh sởi ghi nhận thêm 25 ca mắc mới, tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay đã lên tới 143 trường hợp (năm 2017 không có ca sởi nào).

Bệnh tay chân miệng tuần qua có thêm 397 ca, tăng 34% so với trung bình của 4 tuần trước. Tổng số ca mắc bệnh ghi nhận từ đầu năm đến nay là 4.066 ca.

Dự báo, thời gian tới nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, ngành giáo dục, chính quyền các cấp và người dân dịch bệnh sẽ còn diễn biến khó lường, nguy cơ tấn công tất cả các trẻ nhỏ chưa được miễn dịch trong cộng đồng.

Bệnh nhân tăng cao đang gây áp lực quá tải rất lớn cho các bệnh viện, y bác sĩ phải vắt kiệt sức chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi, giường bệnh, băng ca được kê thêm nhưng các bệnh viện nhi vẫn không đủ đáp ứng, trẻ phải nằm ghép, nằm sàn nhà, hành lang là thực tế đang diễn ra.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, điểm nóng điều trị bệnh truyền nhiễm ngoài việc đề nghị nhân viên không nghỉ phép, tăng ca, huy động sinh viên thực tập hỗ trợ, bệnh viện đã cải tạo căn tin (trước đây dành cho thân nhân và nhân viên bệnh viện) trên cơ sở chuyển đổi công năng thành phòng bệnh. Giường bệnh của bệnh viện và từ bệnh viện khác được huy động để tăng thêm khu điều trị cho bệnh nhi.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: Việc phòng bệnh truyền nhiễm chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như: Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp nên cần phải có ý thức dùng khăn giấy che mũi miệng khi hắt hơi, bỏ khăn sau khi sử dụng vào thùng rác; những trẻ có biểu hiện sốt, ho, mắt đỏ, phát ban cần đưa đến khám tại các cơ sở y tế; bệnh sởi đã có vắc xin chủng ngừa, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được tiêm đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng.

Với bệnh tay chân miệng khoảng 80% trẻ mắc ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt... phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh tay chân miệng

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. (822)

 

13. Ninh Bình: Vụ hàng trăm học sinh ngộ độc: Kiểm tra cơ sở cung cấp thịt gà cho trường

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ cung cấp thịt gà cho trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng – nơi hàng trăm học sinh bị ngộ độc do ruốc gà, chủ cơ sở này không xuất trình được giấy tờ thủ tục liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 8/10, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, liên quan đến vụ việc học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại trường ngày 5/10, Công an thành phố Ninh Bình đã vào cuộc xác minh làm rõ các vấn đề có liên quan.

Theo đó, qua công tác điều tra, xác minh, Công an thành phố Ninh Bình phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở giết mổ gà của hộ gia đình ông Nguyễn Hà Nội (SN 1965, trú thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư). Đây là nơi cung cấp thịt gà cho trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang nuôi nhốt 70 con gà công nghiệp, có 100kg thịt gà đã qua giết mổ được bảo quản trong tủ đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Liên quan đến thủ tục pháp lý về Vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ cơ sở này không xuất trình được các giấy tờ có liên quan. Cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình đã tiến hành lập biên bản, niêm phong toàn bộ số gà trên và tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Trước đó, như Dân trí đưa tin, sau bữa cơm trưa bán trú tại trường ngày 5/10, hơn 300 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình đã phải nhập viện cấp cứu do bị nôn, chóng mặt, đau bụng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do món ruốc gà có vi khuẩn độc tố gây ra. (348)

 

14. Bệnh nhi 14 tuổi bị tắc ruột vì ăn liên tục 1kg hồng ngâm

Chiều ngày 8/10, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại vừa tiến hành phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Nguyễn Thị L. (14 tuổi, ở xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ) bị tắc ruột sau khi ăn nhiều hồng ngâm.

Trước đó, ngày 5/10, bệnh nhân L. ở nhà ăn khoảng 1kg hồng. Sau ăn thấy xuất hiện đau bụng, kèm theo nôn được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ để khám.

Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bán tắc ruột và cho nhập khoa Ngoại theo dõi, điều trị. Tại đây, bệnh nhân được thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng, siêu âm có hình ảnh các quai ruột giãn, tăng nhu động nhiều, thành ruột dày; chụp phim X quang có hình ảnh mức nước, mức hơi trong ổ bụng.

Các bác sĩ hội chẩn thống nhất chẩn đoán tắc ruột, giải thích cho gia đình để tiến hành phẫu thuật giải phóng chỗ tắc.

Quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã lấy khối bã thức ăn cách hồi manh tràng khoảng 20cm, sau đó tiến hành hút dịch trong lòng ruột khâu phục hồi ống tiêu hóa, rửa ổ bụng đặt dẫn lưu.

Hiện tại bệnh nhân tỉnh, toàn trạng ổn định tiếp tục được chăm sóc tại khoa Ngoại dự kiến có thể xuất viện trong vài ngày tới.(246)

 

15. TPHCM: Phạt 120 triệu đồng cơ sở spa tiêm filler khiến bệnh nhân mù mắt

Hoạt động trái phép, tiêm filler khiến bệnh nhân mù mắt cơ sở spa TN - Beauty clinic bị đình chỉ hoạt động, phạt hành chính 120 triệu đồng. Bệnh nhân đang tiến hành các bước yêu cầu bồi thường dân sự hoặc đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ cơ sở trên.

Như Dân trí đã thông tin trong bài viết: “Nâng mũi làm đẹp, nữ bệnh nhân nguy cơ múc bỏ mắt” phản ánh vụ việc chị N.T.C.D. (30 tuổi, ngụ tại TPHCM) gặp nạn khi đi làm đẹp tại cơ sở TN - Beauty clinic Spa hoạt động tại một chung cư trên địa bàn quận 4, TPHCM.

Theo đó, sau khi xem thông tin quảng cáo của cơ sở spa TN - Beauty clinic trên mạng xã hội, chị C.D. cùng em gái N.T.B.N. (26 tuổi) đến đây làm đẹp. Được nhân viên của cơ sở tư vấn, chị quyết định nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler làm đầy, người em đi cùng thực hiện phương pháp cắt mí mắt.

Chỉ 5 phút sau khi được kỹ thuật viên chích chất làm đầy vào mũi, bệnh nhân bắt đầu bị sưng phù mặt, sụp mí mắt, da vùng mũi và trán có vết bầm ngày càng lan rộng. Nghĩ là phản ứng bình thường của cơ thể, chị D. về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của chị ngày càng xấu, thị lực mắt trái giảm dần, mặt sưng phù.

Chị đến Bệnh viện Trưng Vương thăm khám thì được bác sĩ xác định bị biến chứng tắc mạch do chất làm đầy gây ra. Dù đã được điều trị tích cực nhưng mắt trái của bệnh nhân đã bị mất thị lực hoàn toàn.

Sau khi báo chí phản ánh vụ việc, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra sơ sở spa TN - Beauty clinic và xác định spa trên hoạt động trái phép. Ngoài ra, tại đây còn phát hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước những sai phạm hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không có giấy phép hoạt động và bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, UBND thành phố vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với bà Nguyễn Thị Thùy Trang (phòng 612, lô H3, chung cư 384 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4) là chủ cơ sở TN - Beauty clinic Spa số tiền 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Cùng với chị C.D. người em gái cũng bị sụp mí mắt phải tiến hành phẫu thuật lại. Được biết, 2 nạn nhân đã mời luật sư vào cuộc tiến hành các thủ tục yêu cầu bồi thường dân sự. Nạn nhân cho biết nếu không tìm được “tiếng nói chung” về mức thỏa thuận bồi thường, nhiều khả năng chị sẽ kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với chủ cơ sở spa. (519)

 

16. Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Hà Nội

Hà Nội ghi nhận 404 trường hợp mắc sởi, rải rác tại 219 xã phường thuộc 30/30 quận, huyện thị xã; chưa phát hiện ca tử vong.

Chiều 7.10, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đến hết ngày 5.10, trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 404 trường hợp mắc sởi, rải rác tại 219 xã phường thuộc 30/30 quận, huyện thị xã; chưa phát hiện ca tử vong.

Qua giám sát dịch, Hà Nội ghi nhận 3 vụ dịch sởi trong 8 năm qua. Trong đó, năm 2000 ghi nhận vụ dịch nhỏ (149 trường hợp); 2009 dịch vừa (837 trường hợp) và năm 2014 dịch lớn nhất (1.741 trường hợp, 14 tử vong).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, thời gian tới, thời tiết chuyển mùa thu đông là điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của bệnh sởi.

Bên cạnh đó, dịch sởi tại các tỉnh thành xung quanh Hà Nội như Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La tăng cao, cùng tình trạng biến động dân cư, khoảng trống miễn dịch sởi tại Hà Nội do hằng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng...

Trước dự báo dịch sởi có thể gia tăng vào năm 2018 - 2019 tại Hà Nội, UBND TP đã bổ sung kinh phí để tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi toàn TP (tiêm thêm 1 mũi vắc xin cho toàn bộ trẻ từ 1 - 5 tuổi, mặc dù trẻ đã tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi); dự kiến tiêm cho gần 700.000 trẻ vào tháng 11 tới; đồng thời, duy trì tiêm chủng thường xuyên hằng tuần tại các trạm y tế xã, phường để tăng cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế thấp nhất việc tiêm muộn, tiêm hoãn. (338)

 

17. Bình Thuận đẩy mạnh kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã đã tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về tác hại của thuốc lá đối với gia đình, cộng đồng.

Ngay sau khi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013, Luật này quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tỉnh Bình Thuận đã ra chỉ thị về công tác phòng chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó Sở Công thương phải có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.

Thời gian vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận liên tục bắt được các vụ vận chuyển thuốc lá lậu. Mới đây nhất vào cuối tháng 9, đơn vị này vừa chuyển hồ sơ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm cùng tang vật cho cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP. Phan Thiết tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với bà Nguyễn Thị Kim Yến ngụ phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết, về hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu.

Trước đó, Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 7 đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh tạp hóa trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Phan Thiết do bà Yến làm chủ hộ, phát hiện đang kinh doanh lô hàng 150 bao thuốc lá điếu hiệu Esse do nước ngoài sản xuất, không dán tem thuốc lá nhập khẩu bao gói, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, là hàng cấm kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Yến số tiền 15 triệu đồng và tịch thu toàn bộ lô thuốc lá điếu nhập lậu. Được biết, hồi tháng 3/2018, bà Yến cũng bị phát hiện buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu nay tiếp tục tái phạm.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành kiểm tra tại một hộ kinh doanh tạp hóa ở thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam và phát hiện 111 bao các loại nhãn hiệu Scott, Jet; Hero.Khi thấy Đoàn kiểm tra đối tượng kinh doanh tại cửa hàng lập tức cất dấu tang vật nhưng bị ngăn lại. Đội Quản lý thị trường số 9 đã ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng và tịch thu toàn bộ lô thuốc lá điếu nhập lậu nêu trên.

Cùng với siết chặt quản lý kinh doanh, ngành y tế Bình Thuận còn tổ chức, cung cấp thông tin khoa học về tác hại của thuốc lá; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nhiều địa điểm công cộng với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú.

Thực hiện hướng dẫn quy trình cai nghiện thuốc lá do Bộ Y tế ban hành; chỉ đạo việc cai nghiện thuốc lá và nghiên cứu, tư vấn về cai nghiện thuốc lá; tổ chức tập huấn cho các nhân viên y tế, nhân viên tư vấn cai nghiện thuốc lá về hoạt động tư vấn, phương pháp cai nghiện thuốc lá. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại của thuốc lá theo thẩm quyền.

Chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh nghiêm túc thực hiện quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý và treo biển cấm hút thuốc là (có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá) tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Theo bác sĩ Đinh Thế Hùng (giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe tỉnh Bình Thuận). Bình Thuận cũng như nhiều tỉnh khác vẫn chú ý là tuyên truyền, vận động, chưa xử phạt hành chính bất cứ trường hợp vi phạm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, mặc dù có “bảo bối” là Nghị định 176 của Chính phủ về quy định xử phạt.

Tại Bình Thuận, chỉ có bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện nghiêm “cấm hút thuốc lá” trong khuôn viên, khoa phòng; với các cơ sở công cộng khác thực hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng bán thuốc lá cho trẻ em vẫn còn tồn tại. Rõ ràng, luật phạt thì có, nhưng chưa có cơ chế giám sát và xử phạt. Trong giai đoạn hiện nay, chủ yếu truyền tải kiến thức tác hại thuốc lá và chuyển biến hành vi thái độ của người dân trong cộng đồng. Khoảng 2 - 3 năm tới, sẽ thực hiện xử phạt với hành vi vi phạm hút thuốc lá tại các cơ sở công cộng. (949)

 

18. Bán thuốc lá cho trẻ nhỏ, người lớn lờ đi, người bán nhờ luật

Thuốc lá đang được bày bán tràn lan, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác…và trẻ con đều có thể mua được thuốc lá ở bất cứ đâu.

Khảo sát trên nhiều tuyến phố Hà Nội hoặc bất kỳ một cửa hàng tạp hóa nào ở các tỉnh, địa phương trên cả nước, người ta dễ dàng mua được một loại thuốc lá theo nhu cầu. Không chỉ vậy, tại các quán trà đá vỉa hè, quán nào cũng luôn có các loại thuốc lá phù hợp với đối tượng khách thường xuyên lui tới.  Chị Trần Hoàng H. Hoàng Mai, Hà Nội chủ tiệm tạp hoá nhỏ cho biết bản thân chị không biết có quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ em hay người dưới 18 tuổi và cũng chưa được nghe nhắc về quy định này. Tuy nhiên, nếu chị không bán thuốc cho trẻ, thì tiệm tạp hóa khác cũng bán. Không riêng gì ông T và chị H., mà còn nhiều người khác vẫn vô tư bán hoặc nhờ trẻ em dưới 18 tuổi mua thuốc lá; và không hề biết Điều 9 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2013 quy định rõ không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.

Hay như trường hợp ông Vũ Văn Tính, 71 tuổi, Mộ Lao, Hà Đông cho biết ông nghiện thuốc lá và cứ hai ngày ông hút hết 1 bao vina và khi hết thuốc lá ông nhờ đứa cháu nội 8 tuổi đi mua thuốc lá hộ. Thằng cu còn rất thích được ông nhờ đi mua thuốc lá cứ hỏi ông hết thuốc chứa để cháu đi mua thuốc lá hộ.

Khảo sát của phóng viên hầu như các cửa hàng tạp hoá đều bán thuốc lá và không ở đâu có biển cấm bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi. Hơn nữa, nhiều đứa trẻ mới học lớp 9, lớp 10 cũng phì phèo điếu thuốc trên tay. 

Mặc dù luật có quy định nhưng đến nay mọi người đều cảm giác người lớn không biết và trẻ em càng không hay.

Theo Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), hành vi vi phạm quy định trưng bày thuốc lá diễn ra phổ biến tại các điểm bán lẻ. Đây là một trong những khó khăn cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Điều tra năm 2015 của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, hơn 90% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định trưng bày quá 1 bao, 1 tút, 1 hộp của nhãn hiệu thuốc lá, tạo thành các điểm quảng cáo sản phẩm thuốc lá, thu hút người sử dụng (vi phạm Điều 25 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá). Trong khi đó, ở một số nước khác như Thái Lan không cho phép trưng bày thuốc lá tại điểm bán, chỉ cho phép trưng bày dòng chữ nhỏ “ở đây có bán thuốc lá” trên quầy.

Trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (FCTC) mà Việt Nam đã ký kết tham gia có những điều khoản “thi hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, hành chính và các biện pháp khác có hiệu quả tại cấp chính phủ phù hợp để cấm việc bán các sản phẩm thuốc lá cho những người dưới tuổi quy định bởi luật trong nước, luật quốc gia hoặc người dưới 18 tuổi.

Những biện pháp này có thể bao gồm: Yêu cầu mọi người bán các sản phẩm thuốc lá đặt một bảng hiệu rõ ràng và nổi bật tại các điểm bán của họ về việc cấm bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên… cấm việc sản xuất và bán các loại kẹo, đồ ăn nhẹ, đồ chơi và các vật khác mang hình dáng của các sản phẩm thuốc lá mà những vật này hấp dẫn đối với trẻ vị thành niên…”.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng quy định chi tiết cấm hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá, hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đồng thời luật cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11, Điều 12, trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó. (854)

 

19. Bà Rịa-Vũng Tàu: Gửi công văn khẩn cùng dập dịch tay chân miệng

Từ đầu năm đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận có hơn 1.800 trẻ bị tay chân miệng, trong tháng 8, 9 số bệnh nhân tăng cao.

Ngày 8-10, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sở đã có công văn khẩn gửi Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, các bệnh viện, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tổng hợp tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2018 đến nay, phân tích dịch tễ bệnh xác định yếu tố nguy cơ, vùng nguy cơ, dự báo dịch. Đồng thời, hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tuyến huyện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, không để bùng phát, lan rộng.

Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh, dịch tễ và công tác triển khai của tỉnh, kiến thức phòng chống dịch bệnh để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, chuyển tải đến cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền.

Các bệnh viện, cơ sở điều trị, chủ động phân loại bệnh nhân, chuẩn bị khu cách ly điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Theo ghi nhận, từ đầu năm 2018 đến nay toàn tỉnh đã có 1.806 trường hợp bị tay chân miệng. Đặc biệt là trong tháng 8 và tháng 9, số ca tay chân miệng tăng cao với hơn 940 ca, tập trung chủ yếu ở TP Vũng Tàu với 736 ca, chiếm 41% của tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết đỉnh dịch bệnh tay chân miệng hàng năm rơi vào 2 thời điểm là từ tháng 2 đến tháng 5 và đỉnh dịch từ tháng 8 đến tháng 10. Qua phân tích dịch tễ, tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp nhập viện ở độ 2B; chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh nặng (độ 3, 4).

Trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch, đặc biệt là đối với các trường mẫu giáo nơi mà bệnh tay chân miệng dễ dàng lây nhiễm tạo thành ổ dịch. (424)

 

20. Vẫn khó bán thuốc bằng công nghệ thông tin

Nhằm quản lý bán thuốc theo đơn và giúp người dân thuận tiện hơn trong tra cứu thông tin về thuốc, đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá tình trạng người dân tự ý mua thuốc kháng sinh vẫn rất phổ biến.

Quy định bắt buộc 

Đầu năm 2018, Bộ Y tế đã lựa chọn thí điểm ứng dụng CNTT đối với nhà thuốc tại 4 địa phương Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định. Qua thời gian thí điểm, toàn bộ các nhà thuốc, các tủ thuốc tại trạm y tế xã các tỉnh thí điểm đã được tập huấn. Việc thực hiện sử dụng phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông nhà thuốc tại các cơ sở thí điểm đã duy trì cập nhật thường xuyên.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có thêm 25 tỉnh triển khai kết nối các nhà thuốc với 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc, liên thông kết nối hơn 22.000 đơn thuốc, trong đó có 1.915 cơ sở thường xuyên cập nhật số liệu về mua bán thuốc lên website https://duocquocgia.com.vn/.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7300 đại lý.

Kế hoạch từ đây đến cuối năm sẽ nối mạng đến tất cả nhà thuốc tư nhân trên cả nước. Việc quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý- đại diện Cục Quản lý Dược cho biết.

Thay đổi nhận thức người bệnh

Để hạn chế thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc không kê đơn tràn lan thì ứng dụng CNTT, kết nối các cơ ở cung ứng thuốc là một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và đặc biệt là khắc phục tình trạng kháng kháng sinh. Nhưng trên thực tế tại một số địa phương việc triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng CNTT tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng vấp phải nhiều trở ngại do hoàn cảnh thực tế và trình độ kinh tế - xã hội còn chậm phát triển. Không chỉ vậy, khi tiến hành khảo sát cho thấy trình độ tin học của nhiều chủ tiệm thuốc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất hạn chế nên chậm chuyển biến nhận thức. Vậy nên, việc giúp người bệnh thay đổi nhận thức trong việc mua thuốc chữa bệnh cho chính mình vẫn còn là chặng đường dài.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở bán lẻ thuốc nên việc kiểm soát bán thuốc theo đơn rất khó. Mức xử phạt vi phạm về bán thuốc kê đơn chưa đủ sức răn đe. Đối với hành vi bán thuốc bắt buộc phải có đơn như kháng sinh mà không có toa của bác sĩ, cũng chỉ bị phạt 200.000-500.000 đồng.

Hơn nữa, khi thực hiện kết nối mạng, những đơn thuốc của người bệnh sẽ được lưu quầy thuốc để tránh được tình trạng người dân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết đơn thuốc chỉ có chữ ký của bác sĩ hoặc chỉ được đóng dấu treo của bệnh viện nên rất dễ làm giả. 

Trên thực tế, nhiều người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài là một nguyên nhân rất lớn góp phần tăng tỷ lệ kháng thuốc.

Để khắc phục tình trạng cứ có bệnh là mua thuốc, hạn chế kháng kháng sinh, cần nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng thuốc. Khi mà mỗi người dân đã ý thức được việc sử dụng thuốc thì quá trình tiến hành ứng dụng CNTT kết nối các nhà thuốc sẽ diễn ra thuận lợi, hiệu quả.

* Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đã giao cho Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh nghiên cứu để ban hành thông tư về kê đơn thuốc. Trên đơn phải ghi họ tên đầy đủ của người mua thuốc, bị bệnh gì, dùng loại thuốc gì,… Đến năm 2020, tất các nhà thuốc phải hoàn thành nối mạng. Đến đầu năm 2021 tất cả các quầy thuốc phải nối mạng. (866)

 

21. Bộ Y tế: Hầu hết các phản ứng sau tiêm là sưng, nóng, tấy đỏ thông thường

Theo cục Y tế dự phòng, bộ Y tế, thống kê 6 tháng đầu năm 2018 cả nước ghi nhận 4.114 trường hợp phản ứng thông thường và 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng: ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39oC cả trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng gồm 27 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và 03 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ.

Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong TCMR ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố bao gồm Ninh Bình (01), Phú Thọ (07), Bắc Giang (03), Thanh Hóa (05), Hà Nội (02) và Hải Dương (1), Sơn La (01), Đắc Lắc (01), Bình Định (01), Hậu Giang (01), Cần Thơ (01) và Bà Rịa - Vũng Tàu (03) gồm 25 trường hợp hồi phục và 02 trường hợp tử vong.

Theo thống kê, trong 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng ghi nhận:

18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem (17 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem - OPV và 01 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem - OPV - Rotarix) trên tổng số 2.551.051 liều vắc xin Quinvaxem, 3.615.000 liều vắc xin OPV và 6.802 liều vắc xin Rotarix đã sử dụng.

Tỷ lệ phản vệ sau tiêm vắc xin Quinvaxem là thấp hơn so với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới.

07 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin VGB và 01 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin BCG ( 06 trường hợp sau tiêm VGB, 01 trường hợp sau tiêm VGB-BCG, 01 trường hợp sau tiêm BCG) trên tổng số 687.545 liều vắc xin VGB và 1.403.000 liều vắc xin BCG đã sử dụng.

Bộ Y tế cho biết, các trường hợp này đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh họp đánh giá và kết luận, ghi nhận 24 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ (13%), 21 trường hợp phản vệ/phản ứng quá mẫn sau tiêm chủng (70%) và 05 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không rõ nguyên nhân (17%). Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình. (453)

22. Y tế cơ sở: Khi nào qua nỗi … NHẸ TÊNH

Có đi xuống tận địa phương, mới thấy buồn cho những “người gác cổng” y tế tại cơ sở, tình trạng “vắng đìu hiu” là khá phổ biến. 

Buồn hơn cả, là cái sự một ngày một trạm y tế xã chỉ có 1-2 người đến khám, nó không nói lên chất lượng sức khỏe cộng đồng nơi đây đã tốt lên, bởi rất nhiều người bệnh ở vùng đó, kể cả hắt hơi sổ mũi cũng lao lên các bệnh viện tuyến trên khiến các bệnh viện này càng lúc càng quá tải.

Những tưởng rằng, từ ngày ngày 5/12/2016 Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, hệ thống y tế cơ sở được xác định có một vai trò lớn hơn, mang tính trung tâm, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh từ khâu địa phương, giảm tải cho bệnh viện tỉnh trung ương nhưng dường như vai trò đó vẫn còn quá bị xem nhẹ…

Với khoảng 80% số dân sống ở vùng nông thôn, thì y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở được xác định là tuyến y tế trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Quan trọng hơn cả, y tế cơ sở nếu được khai thác triệt để, sẽ góp phần rất lớn trong việc sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, giảm thiểu các ca trọng bệnh mà khi lên đến cấp tỉnh, trung ương cũng đã vào giai đoạn “y học bó tay!” 

Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 cũng đã đặt ra mục tiêu với ngành y tế là phải bảo đảm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.”

Có một thực tế đang diễn ra đó là hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn dẫn chứng, Việt Nam đã có một hệ thống y tế cơ sở trong đó có trạm y tế tham gia rất tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hệ thống trạm y tế rải khắp trên toàn quốc là một trong những điểm mạnh của y tế Việt Nam. 

Điển hình nhất là năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thanh công dịch SARS, trong đó có vai trò của y tế cơ sở. Từ thực tiễn đã cho thấy, hệ thống y tế cơ sở rất gần dân, do vậy khi tăng cường lực lượng chuyên môn ở tuyến trên về nên đã kịp thời phát hiện và kiểm soát khống chế thành công.

Bên cạnh đó có rất nhiều chương trình triển khai như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh môi trường... Điều này trong giai đoạn vừa qua y tế cơ sở đã làm rất tốt.

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra đó là hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Quan trọng hơn cả, y tế cơ sở nếu được khai thác triệt để, sẽ góp phần rất lớn trong việc sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, giảm thiểu các ca trọng bệnh mà khi lên đến cấp tỉnh, trung ương cũng đã vào giai đoạn “y học bó tay!”

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên cả nước đang có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản… Tuy nhiên, trong số này nhiều trạm y tế xã ó cơ sở vật chất ở đang ở giai đoạn xuống cấp trầm trọng. Cụ thể hơn, theo khảo sát có tới gần 3.200 trạm y tế cần được xây mới và khoảng 3.600 trạm y tế đang cần được nâng cấp và sửa chữa.

Về chất lượng, đánh giá của Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), hiện nay các trạm y tế thực hiện được khoảng 60% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Nguyên ngân chính là là do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa được đào tạo, thiếu trang thiết bị.

Phân tích sâu về vấn đề này, phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính cho hay, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia và luôn được coi là trụ cột để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cơ bản của người dân.

Tuy nhiên, qua quá trình vận hành lâu dài, đến thời gian gần đây hệ thống này đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập nghiêm trọng. Chẳng hạn như mô hình cung ứng dịch vụ và mô thức quản trị (Hệ thống y tế cơ sở) cũ không còn phù hợp với tình hình mới (với những thay đổi cơ bản cả về cầu và cung dịch vụ y tế); sự bất cân xứng giữa hệ thống y tế cơ sở và y tế chuyên sâu ngày càng rõ nét…

Chỉ rõ nguyên nhân của tuyến y tế cơ sở hiện nay trong trong tình trạng thưa vắng bệnh nhân, phó giáo sư Hằng cho hay, y tế cơ sở chưa có hệ thống quản lý chất lượng, trái ngược với hệ thống bệnh viện.

“Hiện nay hệ thống bệnh viện đã xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện tương đối đồng bộ và triển khai có hiệu quả. Tương phản với điều này là hệ thống y tế cơ sở hiện nay chưa có hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nguyên nhân nữa đó là đứng về mặt nội bộ hệ thống có sự cạnh tranh,” bà Hằng chỉ rõ.

Theo đại diện Bộ Y tế, khi Nghị định 85 về cơ chế hoạt động, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh được công lập ban hành, chính vì bệnh viện phải tự chủ nên họ làm sao cải tiến để hút bệnh nhân. Từ đó, các đơn vị cũng phải có các biện pháp tham mưu cho Bộ Y tế để làm sao giảm cạnh tranh trong hệ thống.

Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan đã trao đổi và có các văn bản cụ thể và đang trong quá trình xây dựng để tăng chi cho y tế dự phòng.

“Trong hệ thống y tế chuyên sâu và y tế cơ sở chưa có sự phối hợp mà thành thực vẫn còn có sự cạnh tranh. Đơn cử như bệnh viện tuyến Trung ương hút bệnh nhân của tỉnh, hay tỉnh hút bệnh nhân của huyện, huyện lại hút các bệnh nhân của xã. Đây là một vấn đề rất mâu thuẫn trong vấn đề quản trị. Vì vậy, hệ thống y tế cơ sở đã yếu lại càng yếu thêm…” Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế.

Một trong những nguyên nhân tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt trong hệ thống y tế chung đó là sự bất hợp lý trong cơ cấu tài chính.

Về vấn đề tài chính y tế, phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng thẳng thắn: “Có thể thấy rằng, chi ngân sách nhà nước cho y tế còn thấp, thậm chí rất thấp, đặc biệt là y tế cơ sở vì cơ chế tài chính còn nhiều bất cập chưa phù hợp. Chẳng hạn như ngân sách nhà nước chưa đảm bảo chi 30% cho dự phòng và ngân sách cho trạm y tế chỉ chi lương, không có kinh phí chi hoạt động. Chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính cho trung tâm y tế đa chức năng. Chưa chi cho dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, khám chữa bệnh lưu động, đây là những điểm rất bất cập.”

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố gần đây nhất cho thấy, trong số 30 nước được đánh giá, Việt Nam đứng thứ 29/33 nước về tỷ lệ chi cho y tế và phần chi công của nhà nước chiếm khoảng hơn 30% còn lại khoảng 70% là chi từ tiền túi của người dân. Trong khi WHO khuyến cáo mức hợp lý nhất chi tiền túi của người dân dưới mức 30% sẽ giảm được chi phí thảm họa.

Cần tập trung nguồn lực từ nước ngoài, vốn ODA, kể cả ngân sách, làm sao để nâng cấp đồng đều tuyến y tế xã. Như vậy, mới có khả năng tạo niềm tin cho người dân gắn bó với tuyến y tế, xã, phường, thị trấn.

“Nhưng bất cập hơn, đó là chi cho y tế đã thấp, chi cho y tế cơ sở còn thấp, đặc biệt trong dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp hơn,” bà Hằng chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay khi thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan đã trao đổi và có các văn bản cụ thể và đang trong quá trình xây dựng để tăng chi cho y tế dự phòng 30% để đảm bảo mức đó, từ trước đến nay cao nhất chỉ 15-17%.

Theo vị đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tỷ trọng ngân sách nhà nước hiện nay đầu tư cho ngành y tế, ở tuyến xã còn rất hạn chế. Vì vậy, cần phải tập trung những nguồn lực từ nước ngoài, vốn ODA, các nguồn lực khác và kể cả ngân sách, làm sao để nâng cấp đồng đều tuyến y tế xã. Như vậy, mới có khả năng tạo niềm tin cho người dân gắn bó với tuyến y tế, xã, phường, thị trấn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong thời gian vừa qua, Ủy ban đã tiến hành rất nhiều cuộc giám sát, khảo sát ở các địa phương và tập trung vào các tuyến y tế cơ sở. 

Đầu tháng 8/2018, Ủy ban đã tiến hành phiên giải trình về chất lượng hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở và cho thấy, mức đầu tư cho tuyến y tế xã, phường còn hạn chế, từ huyện trở lên chúng ta làm tương đối tốt.

Ông Lợi cho hay, bên cạnh những thành tựu như vậy, ông cho rằng có một số thách thức tồn tại hiện nay. Đó là việc chưa làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để cho nhân dân tự chăm lo sức khỏe hoặc nhận thức đúng về tuyến y tế cơ sở.

“Qua khảo sát, bệnh rất đơn giản nhưng người dân vẫn lên huyện. Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế và Chính phủ nên tổng kết lại việc thông tuyến. Khi chúng ta cho thông tuyến trong điều kiện kỹ thuật chưa xác định được, rõ ràng dẫn đến người dân sẽ chuyển lên tuyến trên và không khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Thông tuyến là vấn đề nhân văn, rất tốt nhưng trong điều kiện hiện nay chúng ta phải tính toán lại. Chúng tôi đang xem xét để sửa Luật khám chữa bệnh cho phù hợp,” - ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Từ những bất cập đã nêu, các chuyên gia của ngành cho rằng, chính những điểm bất cập đang tồn tại đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực cung ứng dịch vụ, chất lượng dịch vụ và tính bền vững của hệ thống cung ứng dịch vụ y tế cơ sở- loại hình dịnh vụ y tế tối quan trọng này. Đồng thời khuyến nghị, đây là thời điểm quyết định để Bộ Y tế bắt tay vào việc thiết kế và triển khai một Chương trình đổi mới sâu rộng hệ thống y tế cơ sở.

Phó giáo sư Hằng cho rằng, việc thiết kế Chương trình đổi mới này đã được Bộ Y tế tiến hành thận trọng, dựa vào các kết quả đánh giá thực trạng hệ thống y tế cơ sở mang tính hệ thống, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về đổi mới và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như tham khảo rộng rãi quan điểm của các bên liên quan.

Bàn về giải pháp, ông Bùi Sỹ Lợi chỉ ra: “Tôi vẫn đề nghị với Bộ Y tế, qua giám sát, việc xác định ít nhất trạm y tế xã có một bác sĩ là tốt. Nhưng không nhất thiết đây là mô hình cơ bản. Chúng ta có thể luân chuyển các bác sỹ từ tuyến huyện, tuyến tỉnh xuống tuyến xã làm việc một ngày, hai ngày. Việc làm này có hai mục tiêu: Một là bác sỹ giỏi làm tăng niềm tin của người dân đối với công tác chữa bệnh tuyến y tế cơ sở; thứ hai bác sỹ giỏi, bác sỹ có chuyên môn có chức năng đào tạo hệ thống cán bộ y tế của tuyến xã để làm sao chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực.”

Ông Lợi cũng cho biết thêm, trong những năm vừa qua, hệ thống y tế cơ sở xác định có trung tâm y tế bệnh viện tuyến huyện; trạm y tế xã, thôn bản; thực tế nên thêm bộ phận y tế tư nhân góp phần làm cho y tế cơ sở của chúng ta mạnh lên. Tôi đề nghị cần đánh giá y tế tư nhân và kêu gọi, vận động, khuyến khích y tế tư nhân tham gia cùng y tế cơ sở của nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách tốt nhất./.

Thăm dò ý kiến