Bệnh viện Nhi Trung ương kỷ niệm ngày thế giới vì trẻ sinh non với chủ đề “Những chú chim nhỏ - những đôi cánh lớn”

20/11/2018 | 11:32 AM

 | 

Mỗi năm BV Nhi TW điều trị cho khoảng 500 trẻ sơ sinh non tháng. Mỗi ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân đều là những "cuộc chiến", có những trẻ mất thời gian 3 - 4 tháng nằm viện mới có thể xuất viện trở về nhà.

 
 

 


Thông tin tại Lễ kỷ niệm ngày thế giới vì trẻ sinh non với chủ đề “Những chú chim nhỏ - những đôi cánh lớn” diễn ra tại BV Nhi TW mới đây, GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TW cho biết mỗi năm BV Nhi TW điều trị cho khoảng 500 trẻ sơ sinh non tháng. Mỗi ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân đều là những "cuộc chiến", có những trẻ mất thời gian 3 - 4 tháng nằm viện mới có thể xuất viện trở về nhà.

Vien Nhi 1.jpg
Kiểm tra sức khoẻ cho trẻ sinh non tháng tại BV Nhi TW

Hiện theo các tài liệu báo cáo chung cả nước, tình trạng sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội cho biết thêm, tỉ lệ trẻ sơ sinh cân nặng thấp dưới 1000gram và dưới 28 tuần thai ngày càng gia tăng. Các trẻ sinh non dưới 37 tuần và trên 22 tuần, với cân nặng dưới 2500gram thường gặp vấn đề về hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng, bệnh tim bẩm sinh, tổn thương thần kinh, bệnh lý võng mạc…

GS.TS Lê Thanh Hải đánh giá, trẻ sinh non tháng nhẹ cân có rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng ngay từ lúc mới lọt lòng, như suy hô hấp, nhiễm trùng, chảy máu hộp sọ, thiếu máu, vàng da, mù loà, điếc, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động...

"Do đó, chăm sóc trẻ cần phải giải quyết toàn bộ yếu tố nguy cơ, chống suy hô hấp, chống nhiễm trùng, dinh dưỡng đầy đủ, phục hồi chức năng bằng massge, lời ru yêu thương, gần gũi của gia đình... Các bác sĩ luôn nỗ lực để giành giật lại cuộc sống cho các bé"- GS.TS Lê Thanh Hải nói.

Vien Nhi 2.jpg
Những trẻ sơ sinh non tháng đã từng được điều trị, chăm sóc tại BV Nhi TW đã lớn lên khoẻ mạnh, phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ

Các chuyên gia cũng nêu rõ, với trẻ sinh non, dinh dưỡng là vấn đề lớn, vì trẻ không ăn được sau sinh, mà phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch, tập ăn dần.

Theo số liệu thống kê tại khoa Hồi sức sơ sinh (BV Nhi TW) trong 3 năm liên tiếp từ 2015 - 2017, số trẻ đẻ non có cân nặng dưới 1500g nhập viện điều trị chiếm 10-15% trong tổng số các bệnh nhân tại khoa. Trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân cũng có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh bởi mọi cơ quan của trẻ đều chưa trưởng thành, đòi hỏi cháu bé cần được chăm sóc đặc biệt mới giúp bé đuổi kịp những trẻ cùng tuổi sơ sinh đủ tháng.

Với những ý nghĩa đó, BV Nhi TW đã thành lập câu lạc bộ các bà mẹ sinh non lần thứ 1 tại Việt Nam. Đây sẽ là nơi các bà mẹ được giao lưu, giải đáp các thắc mắc, được tư vấn về theo dõi, chăm sóc và tương lai cho trẻ sinh non.

Với trẻ đẻ non dưới 32 tuần, trẻ chỉ được ra viện khi đã ăn đường miệng đủ để tăng cân, tự điều chỉnh được nhiệt độ, sự trưởng thành của cơ quan kiểm soát hô hấp – tuần hoàn, trẻ được dự phòng thiếu máu, tiêm vắc xin, khám mắt, tai, thần kinh.

Các trẻ sơ sinh non tháng khi xuất viện cần được thăm khám lại liên tục cho đến 7 tuổi, với các mốc trong 1 năm đầu thường 3 tháng khám một lần.

Vien Nhi 3.jpg
Những trẻ sơ sinh non tháng đã từng được điều trị, chăm sóc tại BV Nhi TW đã lớn lên khoẻ mạnh, phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ

Đến 2 tuổi khám 6 tháng lần và giai đoạn 3 – 7 tuổi mỗi năm khám lại một lần. Trẻ khám lại cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa thần kinh, phục hồi chức năng, mắt, tai mũi họng… để nhằm hạn chế di chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống… Thông thường đến khi tròn 2 tuổi các bé sinh non có thể đuổi kịp trẻ sinh đủ tháng.

Cũng trong Ngày thế giới vì trẻ sinh non, các bác sĩ của BV Nhi TW đã kiểm tra sức khỏe cho một số bé sinh non đã từng điều trị tại Khoa sơ sinh của BV từ năm 2012 trở lại đây. Qua kiểm tra các chỉ số đều cho thấy các cháu phát triển tốt thể chất và trí tuệ.

 

Thăm dò ý kiến