Chế độ chính sách đối với cán bộ y tế

28/05/2014 | 00:00 AM

 | 

1. Chính sách đối với nhân viên y tế tại các phường, thị trấn

Trong quá trình xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, các Bộ đã đề nghị không áp dụng đối với  nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn do mạng lưới y tế tại các địa bàn này đã hoàn thiện và dễ tiếp cận đối với người dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện tình trạng nhân viên y tế ở các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn không tham gia hoạt động vì cho rằng không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng được hưởng phụ cấp. Nhưng cũng có nhiều địa phương tự cân đối và vận dụng được kinh phí nên đã trả phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế tổ dân phố làm việc ở phường, thị trấn (như tỉnh Quảng Ninh).

Bộ Y tế sẽ cùng các Bộ có liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vấn đề này.

2.Hướng dẫn triển khai Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch

Trong thời gian vừa qua Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Thông tư Liên tịch hướng dẫn một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch (gọi tắt là Quyết định 73). Hiện nay, liên Bộ đã hoàn thành dự thảo, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ký Thông tư, đang gửi Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Bộ Nội vụ xem xét và ký để ban hành trong tháng 3/2014. Trong Thông tư đã quy định mức chi phí chi trả chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật được cộng thêm vào giá ngày giường, giá phẫu thuật, thủ thuật để các bệnh viện có nguồn chi trả cho cán bộ y tế.

Thông tư cũng quy định: Trong thời gian chưa được tính chi phí chi trả chế độ phụ cấp theo Quyết định 73 vào giá dịch vụ, Bộ Tài chính sẽ bổ sung phần chênh lệch tăng thêm giữa chế độ phụ cấp theo Quyết định 73 và Quyết định 155 trước đây cho một số địa phương có khăn. Thực tế đầu năm 2014, BộTài chính đã bổ sung khoảng 657 tỷ đồng cho một số địa phương để chi trả phần tăng thêm năm 2012, các địa phương còn lại phải sử dụng ngân sách địa phương để bảo đảm chế độ cho cán bộ y tế.

Hiện nay, đã xong dự thảo Thông tư, đang gửi Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ cùng ký, dự kiến Thông tư có hiệu lực từ 01/4/2014. Trong dự thảo Thông tư đã quy định mức chi phí chi trả chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật được cộng thêm vào giá ngày giường, giá phẫu thuật, thủ thuật theo quy định.

3. Về đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP

Hiện nay Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để rà soát lại đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và sẽ có điều chỉnh cho phù hợp khi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 64/2009/NĐ-CP.

4. Về chế độ phụ cấp thâm niên cho ngành y tế

Thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/5/2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội và các văn bản liên qua, Bộ Y tế đã có văn bản số 7041/BYT-TCCB gửi Thủ Tướng Chính phủ xin chủ trương và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để Bộ Y tế được xây dựng Nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ y tế.

Theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 9416/VPCP-KGVX, Bộ Y tế đã xin ý kiến của các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Tư pháp. Ý kiến của các Bộ nêu trên đều đề nghị Bộ Y tế chưa báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Nghị định của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với người lao động ngành y tế. Theo như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương Nhà nước: “Về phụ cấp thâm niên nghề, trước mắt chỉ bổ sung áp dụng đối với ngành giáo dục, chưa mở rộng áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức các ngành còn lại”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt Bộ Y tế sẽ chưa trình Chính phủ ban hành chế độ phụ cấp thâm niên nghề cho ngành Y tế.

5. Về chính sách “bảo vệ nhân viên y tế”

Điều 34 và 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định “Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh” và “Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề” đối với người hành nghề y. Theo đó, người hành nghề y được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến, được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể; trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.

Khoản 11 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định nghiêm cấm hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác. Luật cũng quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là phải bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề (Khoản 5 Điều 53).

Bên cạnh đó, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người hành nghề trong khi đang khám bệnh, chữa bệnh.

Như vậy, hành lang pháp lý để bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế đã đầy đủ và khá nghiêm khắc. Vấn đề cơ bản là cơ chế để thực thi nghiêm các quy định này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan công an trong giải quyết vụ việc, đặc biệt là xử lý nghiêm minh.

6. Về quy định thù lao phù hợp đối với bác sỹ trực đêm tại các tuyến KCB

Mức phụ cấp mà cử tri Thái Nguyên nêu là chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ quy định tại Quyết định số 155/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, chế độ này đã được sửa đổi và tăng lên quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2012.

Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Thông tư Liên tịch hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

7. Về chính sách đối với cán bộ y tế công tác tại các khu vực huyện đảo, vùng cao, biên giới

Theo phân cấp quản lý hiện hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí nhân lực cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trên cơ sở hướng dẫn định mức biên chế  theo Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước. Hiện nay, thực hiện Luật Viên chức thì việc xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để tăng cường nhân lực đối với các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo như:

- Tham mưu trình Thủ tướng ban hành Quyết định 14/2013/QĐ - TTg ngày 20/2/2013 về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối vớingười hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” nhằm bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

- Đề án 1816 của Bộ Y tế để chuyển giao kỹ thuật từ các tuyến trên về tuyến dưới (được ban hành tại Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”). Ngày 21/12/2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành quyết định số 5068/QĐ-BYT về việc quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013, nhằm tăng tính hiệu quả của việc thực hiện Đề án 1816, phù hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.

- Dự án "Thí điểm đưa Bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" (ban hành tại Quyết định số 585/QĐ-BYT ngày 20/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách cho cán bộ y tế nói chung và đặc biệt là chế độ chính sách cho cán bộ y tế tại những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo như:

- Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, quy định mức phụ cấp từ 20% đến 70 %, trong đó mức phụ cấp 60% và 70% được áp dụng cho công chức, viên chức làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; khám, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.

- Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, trong đó quy định người tham gia chống dịch được hưởng mức phụ cấp từ 75.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày/người tùy theo từng loại dịch.

- Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế (phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch) ban hành năm 2003.

- Chế độ tập sự của bác sĩ ngắn hơn các ngành khác 3 tháng (thời gian tập sự của bác sĩ 9 tháng, của các đại học khác là 12 tháng).

Riêng với đối tượng cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, còn có một số chính sách:

- Nghị định 64/2009/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.

- Quyết định 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.

Bên cạnh đó, về lâu dài, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ y tế nói chung theo hướng:

- Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, ngoài ra theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sỹ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn.

- Đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo".

Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của mình cũng có các hình thức hỗ trợ, các chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương.

8. Về chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là cấp xã

Hiện nay, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản về chế độ chính sách cho cán bộ y tế nói chung, cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa nói riêng như:

- Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, quy định mức phụ cấp từ 20% đến 70 %, trong đó mức phụ cấp 60% và 70% được áp dụng cho công chức, viên chức làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; khám, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần.

Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.

- Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, trong đó quy định người tham gia chống dịch được hưởng mức phụ cấp từ 75.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày/người tùy theo từng loại dịch.

- Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế (phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch) ban hành năm 2003.

- Chế độ tập sự của bác sĩ ngắn hơn các ngành khác 3 tháng (thời gian tập sự của bác sĩ 9 tháng, của các đại học khác là 12 tháng).

Riêng với đối tượng cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, còn có một số chính sách:

- Nghị định 64/2009/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.

- Quyết định 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.

Bên cạnh đó, về lâu dài, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ y tế nói chung theo hướng:

- Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, ngoài ra theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sỹ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn.

- Đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo".

Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của mình cũng có các hình thức hỗ trợ, các chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương.​


Thăm dò ý kiến