Nạn bạo hành nhân viên y tế và giải pháp cho môi trường lao động an toàn tại cơ sở y tế
26/12/2017 13:42
Tình
trạng nhân viên y tế bị bạo hành ngay trong cơ sở khám chữa bệnh đang là vấn đề
nóng trong ngành y tế. Đã không ít cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề an ninh
bệnh viện nhằm đánh giá thực trạng tình hình và nêu biện pháp ngăn chặn. Tuy
nhiên đến thời điểm này, nạn bạo hành nhân viên y tế vẫn chưa giảm thiểu.
Theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh,
những vụ điển hình về mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh gần
đây, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). 90% số
vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu,
chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc
đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh. Đối tượng gây mất
an ninh, bạo hành nhân viên tương đối phức tạp.
Bao gồm người nhà bệnh
nhân, người đi cùng người bệnh bị kích động hoặc bức xúc do không thông cảm, hiểu
hết quá trình thăm khám điều trị của bác sĩ, nhân viên y tế, dẫn đến hành hung.
Điển hình là trường hợp người nhà bệnh nhân đánh một điều dưỡng đang mang thai
ở tháng thứ 7 tới ngất ở Bệnh viện Bạch Mai. Năm
2013, tại
Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, người thân của bệnh nhân đánh bác sĩ trưởng khoa
rách vùng mắt, một bác sĩ khác rách giác mạc, hai y tá bị đánh sang chấn vùng
đầu; toàn bộ kính của phòng điều trị và máy sốc tim cũng bị đập vỡ. Bác sĩ Phạm Đức Giàu
(Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị
người nhà bệnh nhân xông vào đâm chết trong khi đang cấp cứu
cho bệnh nhân.
Chiều
ngày 17/6/2017, tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, bác sĩ Phạm Đình Vinh bị
người nhà của một bệnh nhi đón đánh từ cổng bệnh viện vào đến phòng khám. Những
người này còn bắt bác sĩ phải quỳ xuống đất xin lỗi. Bác sĩ Lê Quang Dương
(Phó Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa kha Thạch Thất, Hà
Nội) ngày 16/4/2017 bị bố người nhà bệnh nhân dùng cốc thủy tinh đập vào đầu
dẫn tới bất tỉnh khi đang xem bệnh án cho người bệnh. Người nhà bệnh nhân
còn tiếp tục xúc phạm, đe dọa tính mạng nhân viên y tế. Thậm chí, ngày 13/7/2017,
tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, người nhà của một bệnh nhân - gãy liên mấu
chuyển xương đùi tử vong sau mổ do thuyên tắc mạch phổi - đã khống chế và bắt
bác sĩ phải ký nhận tội giết người vào “cáo trạng” mà gia đình bệnh nhân soạn
sẵn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bác sĩ Lê Quang Dương (Ảnh: P.Thúy)
Bên cạnh đó còn có những đối tượng bên ngoài xông vào bệnh viện
tấn công người bệnh do những mối quan hệ xã hội giữa họ, dẫn đến va chạm, hành
hung cả nhân viên bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân. Điển hình là vụ việc 4 giờ sáng ngày 7/5/2017,
một nhóm côn đồ xông vào khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khống chế
bác sĩ, tấn công một người bệnh đang được cấp cứu. Khoảng 8 giờ tối ngày 23/10/2017,
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới tiếp nhận một bệnh nhân bị tai nạn
giao thông là Y Giang Long (Gia Lai) vào
cấp cứu. Sau khi kiểm tra, bác sĩ Trần Văn Sơn phát hiện bệnh nhân bị gãy cẳng
chân bên phải nên đã cùng bốn điều dưỡng trực tiếp băng bó cho người này. Ngay
sau đó, một nhóm ba thanh niên là bạn của Long đã đến khoa cấp cứu và gọi người
va chạm giao thông với Long là anh Lê Trần Minh Tâm (cán bộ công an) ra nói
chuyện. Khi
anh Tâm vừa ra khỏi cửa phòng cấp cứu thì nhóm thanh niên này đã xông vào đánh anh Tâm khiến anh gục tại chỗ. Bác sĩ Sơn thấy thế đã
chạy ra can ngăn và cấp cứu cho anh Tâm thì bị nhóm này lao vào hành hung.
Anh Trần Văn Sơn, bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam
- CuBa (Đồng
Hới )kể lại
sự việc (ảnh : Thanh Tuấn)
Còn có nhiều trường
hợp những đối tượng bất hảo xã hội tấn công nhân viên y tế để thực hiện hành vi
đồi bại. Tối 28/2/2017, tại Khánh Hòa, tên Nguyễn Tuấn Hảo (25 tuổi), đã tấn
công, khống chế nữ nhân viên y tế N. đang trực một mình ở trạm xá, thực hiện
hành vi hiếp dâm và ra tay dã man gây tổn thương nghiêm trọng cho chị. Chiều 30/6/2017, tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An,
Nguyễn Ngọc Thái (41 tuổi) đã dùng dao đâm chết ông Lô Minh Hương (59 tuổi), là
bảo vệ của bệnh viện. Gần đây nhất, ngày 20/10,
chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê,
tỉnh Hà Tĩnh, đang trong ca trực thì bị đối tượng Hoàng Xuân Hải (SN 1991) dùng
dao chém nhiều nhát vào người, khiến chị bị đa chấn thương, phải đưa đi cấp cứu
tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê.
Để từng bước
lập lại trật tự, an ninh bệnh viện cần nhiều giải pháp đồng bộ. Mới đây, Bộ Y tế đã đề ra hàng loạt giải pháp nhằm đảm
bảo an ninh bệnh viện, ngăn chặn triệt để tình trạng hành hung cán bộ y tế. Bên
cạnh các giải pháp như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người
bệnh, an toàn người bệnh; tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm
bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh, xử lý thích đáng các vụ việc
nổi cộm để hạn chế và răn đe các đối tượng quá khích trong bệnh viện, ngành y
tế đề nghị bổ sung vào Luật Khám chữa bệnh phần trách nhiệm của người bệnh,
người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung Luật nghiêm cấm hành
vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.
Hiện tại, theo khoản 3, Điều 35 Luật Khám chữa bệnh hiện hành, khi có dấu
hiệu nguy hiểm đến bản thân, bác sĩ có quyền tự bảo vệ mình bằng cách từ chối
khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế cần tiếp tục xây dựng đội ngũ bảo vệ an ninh
bệnh viện chuyên nghiệp, có sự phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn để có
sự phối hợp can thiệp kịp thời với những đối tượng quá khích, thóa mạ, hành
hung đội ngũ nhân viên y tế. Bên cạnh đó, điều 26 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân
cũng quy định rõ: Mọi
tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế
khi họ làm nhiệm vụ. Luật cũng nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe,
tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thầy thuốc và nhân viên y tế khi đang
làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền
nâng cao nhận thức về việc chống bạo hành y tế trong xã hội cũng cần được coi
trọng. Bởi trên thực tế vẫn không ít dư luận cho rằng bạo lực tại cơ sở y tế
gắn liền với những tiêu cực trong đội ngũ nhân viên y tế; trong khi có không ít
trường hợp bạo lực không xuất phát từ sai sót của nhân viên y tế, thậm chí
không phải sai sót từ ngành y. Điển hình là vụ việc ở Bệnh viện Thủ Đức ngày 19/4/2016, khi một cán bộ công an vào bệnh viện giơ thẻ công
an, yêu cầu các bác sĩ không được khám chữa bệnh cho bệnh nhân giường bên cạnh
mà phải tập trung khám chữa bệnh cho chị mình, dù chị ấy đã được cấp cứu, chỉ
còn chờ kết quả. Hành vi này dẫn đến hậu quả anh công an và người nhà của bệnh
nhân mà anh không cho các bác sĩ cấp cứu xô xát với nhau. Đây là một vụ bạo
hành vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính lợi dụng chức vụ quyền hạn để bạo hành. Gần đây nhất, sáng ngày 29/10/2017, chị
Lê Thị Hà (47 tuổi) điều dưỡng viên
Viện Pháp y tâm thần Trung ương đang làm việc đã bị Trần Đức Anh (sinh năm
1994, trú quận Ba Đình, Hà Nội) có tiền án về tội cướp tài sản dùng súng và dao
bắt chị làm con tin để đòi thả một người bạn đang điều trị tại đây. Nhờ có lực
lượng công an tham gia giải cứu, Chị Hà
mới được an toàn sau 2 giờ bị Trần Đức Anh khống chế.
Công an
giải cứu thành vụ dùng súng bắt cóc điều dưỡng viên làm con tin (Ảnh: Tiến
Nguyên)
Thiết nghĩ,
công tác đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc đã đến hồi
chuông báo động. Vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành,
các đoàn thể quần chúng tăng cường tuyên truyền cho người dân biết các vấn đề
về y khoa, để họ có thể hiểu được những khó khăn mà ngành y thường phải đối
mặt. Mặt khác, đẩy mạnh công tác giữ gìn trật tự an ninh trong các cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh và có chế tài đủ mạnh để sử lý nghiêm những người bất chấp pháp
luật hành hung nhân viên y tế để những cán bộ y tế yên tâm, tận tâm, tận lực
phục vụ người bệnh.
Nguyên
Bình